Báo Bình Ðịnh số ra ngày 29.10 có phóng sự “Tan biến giấc mơ những làng mai sạch”. Sau khi báo phát hành, Báo Bình Ðịnh đã nhận được một số ý kiến phản hồi, chúng tôi trích đăng một vài ý kiến của bạn đọc:
Môi trường đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Tôi sinh sống ở làng mai đã gần hết cuộc đời. ở đây ngày trước chỉ thuần trồng lúa, rau màu, nên mọi người dùng thuốc trừ sâu rầy cho ruộng, vườn có mức độ. Hơn nữa ruộng cách xa nhà nên cũng không ảnh hưởng mấy. Hơn chục năm nay, cây mai đã trở thành cây kinh tế của địa phương này nên khắp làng trên, xóm dưới hễ ai có đất vườn, sân nhà đều trồng mai; thậm chí nâng đất ruộng lên để trồng mai. Trồng mai thì các loại sâu rầy, nhất là bọ trĩ phát sinh liên tục, nên phải dùng thuốc thường xuyên, khiến người dân ở đây quanh năm chịu mùi hôi nồng của hóa chất, gây hại cho sức khỏe.
Nếu chính quyền và ngành chức năng không nhanh chóng có phương án can thiệp, hướng dẫn trồng mai sạch thì không biết môi trường ở vùng này sẽ ra sao.
(Ông Trần Văn B., 78 tuổi, thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An)
Trồng mai sạch phải thực hiện đồng bộ
Ngành nông nghiệp và tài nguyên môi trường của thị xã An Nhơn phải chỉ dẫn, khuyến cáo tính ưu việt của việc trồng mai sạch một cách lâu dài, nghiêm cấm bà con sử dụng các loại hóa chất đã cấm sử dụng; không nên trồng mai quá gần khu ăn ở của người dân và có chế tài xử phạt nghiêm đối với những ai vi phạm. Và như báo phản ảnh, trồng mai sạch cần có sự đồng bộ; không thể người này dùng hóa chất, người kia dùng chế phẩm sinh học (sẽ không tác dụng), sâu rầy sẽ bị kháng thuốc, lây lan khắp nơi và xâm hại đến cả hoa màu, rau quả và cây trồng. Nghiêm trọng hơn là dư lượng chất hóa học độc hại phát tán trong không gian, thấm xuống lòng đất, nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống của con người.
(Một người trồng mai ở thôn Háo Đức, đề nghị không nêu tên)
Có thể diệt bọ trĩ cho cây mai bằng nhiều cách
Tôi trồng mai lâu năm, hiện đang sở hữu vài trăm chậu mai hàng chục năm tuổi, tôi tích lũy một ít kinh nghiệm, xin được chia sẻ: Cây mai rất dễ bị nhiều loại sâu rầy xâm hại, nhưng đáng kể nhất là bọ trĩ. Bọ trĩ chích hút nhựa của những lá non, tạo ra những vết lấm tấm trắng nhỏ li ti. Những lá bị hại sẽ phát triển kém, nhỏ lại, mép lá bị khô cháy cong lên như hình lòng mo, lá trở nên thô cứng. Khi những lá bị hại chuyển sang giai đoạn bánh tẻ và già, bọ trĩ chuyển sang lá non khác để gây hại. Bọ trĩ thường gây hại nặng nhiều trong mùa nắng.
Phòng trừ: cần tạo thông thoáng cho vườn mai. Khi tưới nước cho cây mai, nên dùng loại máy bơm có áp suất mạnh tia, xịt thẳng vào những chỗ bọ trĩ sinh sống để rửa trôi chúng. Cách này còn có thể áp dụng với nhện đỏ, rệp sáp. Có thể dùng dầu khoáng SK 99, DC TRONPLUS phòng trừ khi mật độ bọ trĩ không quá cao. Nếu mật độ cao có thể sử dụng một số loại thuốc trừ sâu như: Trebon 10EC; Applaud; Confidor 100SL; Admire 050EC …. Khi phun thuốc cần phun đều cả mặt dưới lá mai.
(Ngọc Dũng, TP Quy Nhơn)
|