Báo Bình Định số 4833 ra ngày 8.11 có đưa tin “Đầu tư 9,487 triệu USD để bảo vệ và phát triển nguồn lợi ven biển” cho biết UBND tỉnh có quyết định đầu tư phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven biển bền vững trong thời gian từ năm 2012 - 2017. Dự án nhằm tăng cường năng lực quản lý NLTS, nuôi trồng, phát triển và bảo vệ NLTS ven biển bền vững. Việc đầu tư phát triển NLTS bền vững ven biển sẽ giúp cho người dân sống xung quanh có điều kiện phát triển. Thế nhưng với tình trạng khai thác thủy sản tận diệt như hiện nay làm cho NLTS các vùng đầm phá đang cạn kiệt dần. Nếu đầu tư phát triển NLTS bền vững mà không có biện pháp ngăn chặn nạn đánh bắt thủy sản tận diệt thì NLTS liệu có còn?
|
Khai thác thủy sản bằng XĐXM trên cánh đồng ở khu vực cầu Sông Chùa (Cát Tiến, Phù Cát). (Ảnh chụp ngày 8.11.2012). |
Tình trạng khai thác thủy sản tận diệt đang diễn ra hàng ngày trên địa bàn tỉnh ta. Khắp các đầm phá, sông, hồ những phương tiện khai thác bằng xung điện, xiếc máy (XĐXM) vẫn hoạt động thường xuyên.
Lật tìm trên các số báo Bình Định sẽ thấy những thông tin “khai thác thủy sản kiểu tận diệt” không quá hiếm. Số báo ra ngày 12.10 có bài viết “Khai thác thủy sản ở đầm Đề Gi: Tận thu, hủy diệt” phản ánh tình trạng khai thác thủy sản bằng XĐXM diễn ra ở đầm Đề Gi. Hệ lụy của việc khai thác tận diệt làm cạn kiệt NLTS trong đầm, hủy diệt môi trường. Trên đầm Đề Gi mỗi ngày có hàng trăm ghe khai thác thủy sản bằng XĐXM hoạt động ngang nhiên. Thậm chí, những cây ngập mặn như đước, bần được trồng để bảo vệ môi trường, làm nơi trú ngụ cho các loại sinh vật, chắn sóng, chắn rác... cũng bị băm nát phục vụ việc đánh bắt thủy sản tận diệt của người dân.
Trước đó, tháng 7.2012, Báo Bình Định cũng đã có loạt bài phản ánh về việc người dân sử dụng “lờ bát quái” của Trung Quốc trong việc đánh bắt thủy sản ở đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ) một trong những loại dụng cụ khai thác thủy sản tận diệt. Những chiếc “lờ bát quái” giăng khắp mặt đầm, từ cá to đến cá nhỏ không con nào mắc vào mà có thể thoát ra. Thế nhưng do tỉnh chưa có quy định cấm loại phương tiện đánh bắt này, nên việc ngăn chặn ở cấp huyện, xã rất khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý. Như vậy có thể thấy hành lang pháp luật để kiểm soát vấn đề này còn cần được bổ sung thêm.
Hơn ai hết, những người sống ở gần các vùng đầm, hồ, những khúc sông hiểu rõ hậu quả của việc khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt. Thế nhưng, do hám lợi, nhiều người vẫn tiếp tục khai thác NLTS bằng cách tận diệt. Nhà nước đã có lệnh cấm khai thác NLTS bằng XĐXM, cơ quan chức năng nhiều lần vào cuộc, nhưng khi vắng mặt thì người dân lại tiếp tục khai thác.
Đứng trước việc NLTS bị đe dọa, các xã ven biển đã có cam kết bảo vệ NLTS, một số xã ven đầm ở Tuy Phước như Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Thắng thành lập Ban quản lý cộng đồng trong việc tổ chức, quản lý, tuyên truyền người dân sống ven đầm Thị Nại bảo vệ NLTS. Tuy nhiên, kết quả vẫn rất hạn chế. Cùng với việc tuyên truyền vận động, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, Chi cục Bảo vệ NLTS cần phải có những biện pháp xử lý mạnh tay để chấm dứt tình trạng trên. Có như vậy thì việc đầu tư phát triển NLTS ven biển bền vững mới thành công.
|