Cổng trường an toàn giao thông (ATGT) đang là mô hình được các trường THPT trên địa bàn tỉnh áp dụng thí điểm, nhân rộng nhằm hạn chế ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ tan học. Tuy nhiên mô hình này còn nhiều bất cập và để đạt hiệu quả, cần sự chung tay phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành.
Theo đại diện của các trường THPT đang áp dụng mô hình cổng trường ATGT, việc thực hiện mô hình này hầu như chỉ là chuyện của nội bộ trường nên hiệu quả mang lại chưa cao. Đơn cử như ở Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn), việc xây dựng mô hình cổng trường ATGT đang được lãnh đạo nhà trường quyết tâm thực hiện, nhưng “đụng vào mới thấy khó”. Trước đây, nhà trường dạy và học 2 ca/ngày, nhưng hiện nay toàn trường chỉ thực hiện dạy và học vào một buổi. Khi tan trường, gần 1.500 học sinh ùa ra cùng lúc, lại đúng vào giờ tan tầm khi người dân đi làm về nên đường Nguyễn Thái Học lập tức bị tắc nghẽn giao thông.
|
Trường THPT Nguyễn Thái Học xây dựng mô hình cổng trường an toàn giao thông. Ảnh: m.nguyễn |
Theo bà Từ Thị Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Nguyễn Thái Học, mặc dù Ban giám hiệu cùng toàn thể học sinh đã cố gắng thực hiện văn hóa giao thông tại cổng trường, tuy nhiên điều kiện và tình hình lộn xộn trước cổng trường đã hạn chế và gây trở ngại cho nhà trường rất nhiều. Khu vực này gần Phòng khám đa khoa Hương Sơn, thường có đông bệnh nhân, tuy nhiên phòng khám này không có mặt bằng giữ xe rộng rãi nên xe đạp, xe máy, thậm chí cả xe ô tô đậu tràn dọc lối đi, trên vỉa hè, dưới lòng đường, đồng thời khi tan trường, nếu đèn tín hiệu giao thông là đèn đỏ, tất cả học sinh khi tan trường đều dừng lại thì người và xe xếp thành một hàng dài nối đuôi, góp phần gây ùn tắc giao thông.
Trường THPT Nguyễn Thái Học chỉ có một lối ra - vào duy nhất là cổng chính, đây cũng là trở ngại lớn trong việc xây dựng mô hình cổng trường ATGT. “Việc mở lối đi phụ là phương án đã được lãnh đạo nhà trường tính từ lâu nhưng không khả dụng vì các cửa phụ nếu mở ra đều quanh những hẻm nhỏ, khi học sinh tan học nếu không về ngay mà tụ tập lại sẽ gây ách tắc tại nhiều điểm, chưa kể việc bố trí lối đi quá chật chội sẽ gây phiền toái cho các hộ dân xung quanh”, anh Phạm Duy Ngọc - Bí thư Đoàn trường Nguyễn Thái Học chia sẻ.
Cũng trên đường Nguyễn Thái Học, cổng Trường Tiểu học Ngô Mây, gần ngã tư có chốt đèn tín hiệu giao thông, lại gần chợ Khu Sáu, nên lưu lượng phương tiện giao thông và người đi bộ qua khu vực này khá lớn. Vào giờ cao điểm như đầu buổi học và tan trường thường gây ách tắc giao thông trước khu vực cổng trường. Trong khi đó cổng phía sau của trường này nằm phía đường Nguyễn Thị Minh Khai bị một số hộ lấn chiếm sử dụng riêng; nhà trường mong muốn sử dụng thêm cổng phụ này để giảm tải học sinh ra vào phía cổng đường Nguyễn Thái Học, nhưng chưa được các ngành phối hợp thực hiện.
Trên thực tế, rất nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Quy Nhơn đã tích cực triển khai mô hình cổng trường ATGT, như phân đội cờ đỏ thường xuyên trực gác, hướng dẫn ngay tại cổng trường, bố trí giờ tan học lệch giữa các khối lớp, đề ra nội quy trong việc di chuyển giờ tan trường, thậm chí một số trường còn tỏ ra quyết liệt khi tập thể ban giám hiệu đứng ra “giải tỏa” ùn tắc trước cổng trường giờ tan học. Tuy nhiên việc các trường “đơn độc” thực hiện mô hình cổng trường ATGT; mặt khác ý thức của người dân, các hộ kinh doanh sống xung quanh trường học chưa cao nên ùn tắc giao thông trước cổng trường luôn là vấn nạn và đó không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục.
Thiết nghĩ trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông, đội trật tự đô thị và UBND các phường cần phối hợp đồng bộ và xuyên suốt hơn nữa trong việc giải tỏa việc lấn chiếm lòng lề đường nhằm hỗ trợ các trường thực hiện có hiệu quả mô hình cổng trường ATGT.
|