Mì dễ trồng, chi phí đầu tư ít, đầu ra sản phẩm ổn định, nên rất nhiều nông hộ đã lựa chọn cây mì để canh tác. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, trong 5 năm trở lại đây, ở tỉnh ta, diện tích mì tăng mạnh. Cụ thể, năm 2007, diện tích mì toàn tỉnh chỉ ở mức 13.160 ha; qua năm 2008 tăng lên 13.943 ha; năm 2009 tăng 14.032 ha và năm 2012 toàn tỉnh có 13.302 ha mì. Trong khi đó, theo quy hoạch của ngành Nông nghiệp tỉnh, chỉ phát triển diện tích mì trên địa bàn tỉnh ổn định từ 10.000 ha đến 12.000 ha. Diện tích mì hiện có vượt quá nhiều so với quy hoạch là vấn đề cần lưu tâm, xem xét.
|
Nông dân xã Cát Hanh (Phù Cát) chăm sóc mì. |
Vẫn biết, nông dân có quyền lựa chọn các loại giống cây trồng đưa vào sản xuất trên diện tích đất đã được Nhà nước giao quyền sử dụng lâu dài. Nhưng khi phát triển quá mức, phá vỡ diện tích mì đã quy hoạch sẽ để lại nhiều hệ lụy. Thực tế cho thấy, tình trạng nông dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, chặt phá rừng để trồng mì đã xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều diện tích đất được quy hoạch trồng các loại cây trồng cạn hoặc trồng mía cũng đã được nông dân sử dụng để trồng mì.Việc phát triển ồ ạt cây mì sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm; giá mì thấp, đầu ra không ổn định, nông dân là người chịu thiệt thòi.
Hơn nữa, cây mì hút chất dinh dưỡng của đất rất mạnh, đất sản xuất bị thoái hóa, nên thường những diện tích đất đã trồng mì thì khó có thể phát triển các loại cây trồng khác. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã lên tiếng cảnh báo về tình hình phát triển nóng vùng nguyên liệu mì, sẽ là nguyên nhân làm sa mạc hóa đất sản xuất.
Bởi vậy, để hạn chế tình trạng phát triển ồ ạt diện tích mì làm phá vỡ quy hoạch, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, chính quyền các địa phương cần phải hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy hoạch đất trồng mì và đất sản xuất các loại cây trồng khác đã được tỉnh phê duyệt. Đồng thời, phát triển các mô hình trồng mì xen các loại cây trồng cạn cải tạo đất như đậu phụng, mè, đậu nành nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích… Đối với diện tích đất trồng mì trên nương rẫy, đất có độ dốc trên 150 độ cần vận động nông dân chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp hoặc trồng rừng, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường…
|