Sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gia cầm:
Ðảm bảo vệ sinh môi trường, nhiều hiệu ứng tích cực
22:23', 19/12/ 2012 (GMT+7)

Gần đây, các hộ chăn nuôi gia cầm tại thôn Tân Mỹ, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước đã sử dụng các chế phẩm sinh học, men phun khử mùi nền chuồng gia cầm,  hạn chế rất tốt mùi hôi, đưa mức ô nhiễm môi trường tại trại nuôi, khu dân cư xuống đến mức thấp nhất. Các mâu thuẫn giữa các chủ trại chăn nuôi với người dân xung quanh cũng giảm nhiều.

 
Chuồng nuôi gà của nhà ông Bảy hiện có 4.000 con, ông Bảy dùng men phun khử mùi nền chuồng theo định kỳ 10 ngày một lần nên không gây ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh.

Trước đây, việc chăn nuôi gia cầm của một số hộ dân ở thôn Tân Mỹ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Điển hình như việc các hộ chăn nuôi gà, vịt làm chuồng trại ven bờ đê (nhánh sông Côn đi qua) thải phân, thức ăn thừa... xuống sông làm ô nhiễm nguồn nước và tạo nên mùi hôi tanh cho khu dân cư. Khi có dịch bệnh với gia cầm, vùng Tân Mỹ thường phải chịu hậu quả nặng nề, bệnh dịch lây lan nhanh chóng cho các vùng khác. Nhiều người dân phản ứng việc chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Gần một năm nay, qua phương tiện truyền thông và chương trình khuyến nông của huyện, người dân ở thôn Tân Mỹ tìm đến những chế phẩm sinh học như Balasa, men phun khử mùi để diệt khuẩn, khử mùi trong chăn nuôi. Anh Lương Nghĩa Nhật Trình, một hộ nuôi gà, vịt ở thôn Tân Mỹ, cho biết: “Chuồng trại nuôi gà, vịt thường rất hôi tanh dù dọn dẹp hàng ngày. Gần đây, nhờ các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn, các hộ chăn nuôi trong thôn hướng dẫn nhau sử dụng một số loại chế phẩm sinh học xử lý làm khô chất thải rất nhanh, khử mùi hôi nền chuồng rất hiệu quả, ít tốn công dọn dẹp… Bà con xung quanh gần như không còn than phiền nữa”. Sử dụng chế phẩm sinh học, gà sinh trưởng bình thường. Chế phẩm được sử dụng trong suốt thời gian nuôi, chỉ ngưng sử dụng thuốc 10 ngày trước khi xuất chuồng.

 

Một số chế phẩm đang được người chăn nuôi trong tỉnh sử dụng.

- Trong ảnh: Men phun khử mùi nền chuồng CTCP Marphavet và Licomix.

Những chế phẩm này không những đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi, hạn chế các tác nhân gây ảnh hưởng môi trường xung quanh mà còn tạo ra nguồn phân bón có lợi cho cây trồng. Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng thôn Tân Mỹ, cho hay: “Toàn thôn có 40/175 hộ chăn nuôi tập trung dọc bờ sông. Hầu hết, các hộ chăn nuôi trong thôn đều sử dụng các chế phẩm sinh học để gìn giữ vệ sinh môi trường; mùi hôi giảm đi trông thấy mà dịch bệnh ít xảy ra; giảm hẳn việc khiếu nại của các hộ dân do không chịu nổi mùi hôi của phân thải gà, vịt. Nhiều gia đình mở rộng chăn nuôi mà không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”. Hiệu quả tích cực của những chế phẩm sinh học đã được khẳng định trong thực tế sản xuất, cơ quan chức năng trong tỉnh nên tổng kết thành mô hình, phổ biến và hướng dẫn để có thêm nhiều hộ chăn nuôi biết và cùng áp dụng.

  • THU DỊU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bạn đọc giúp đỡ các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (17/12/2012)
Mực máy in giả xuất hiện nhiều   (18/12/2012)
Ngang nhiên lấp ruộng  (11/12/2012)
Nhiều công viên bị bỏ hoang  (10/12/2012)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (08/12/2012)
Chú ý đèn xi-nhan, gương chiếu hậu khi giao thông   (04/12/2012)
Bạn đọc Báo Bình Định giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (04/12/2012)
Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm  (03/12/2012)
Chủ tịch UBND tỉnh không công nhận việc bồi thường, hỗ trợ  (02/12/2012)
Cần sớm chấn chỉnh việc bốc xếp tại cảng cá Quy Nhơn  (02/12/2012)
Sống cùng hiểm nguy  (02/12/2012)
Cần xử lý dứt điểm  (02/12/2012)
Đê sông cầu Đỏ bị chiếm dụng làm quán nhậu  (28/11/2012)
Nông dân nên trồng mì đúng quy hoạch  (28/11/2012)
Cảnh giác với nạn trộm ở các khu trọ sinh viên  (28/11/2012)