Do kinh tế eo hẹp, phòng trọ chật chội… và cũng là để thuận lợi khi thay đổi chỗ ở, nhiều người lao động và sinh viên thuê nhà trọ đã đun nấu bằng bếp gas mini. Tuy nhiên, loại bình gas mini “ba không” (không địa chỉ, không thông số kỹ thuật, không rõ nguồn gốc gas) mà hầu hết họ đang sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
|
Những bình gas mini “quá đát” luôn ở trong tình trạng “ba không”.
|
Theo quy định về an toàn cháy nổ và những cảnh báo về sử dụng bình gas thường thấy trên các vật dụng có dùng bình gas, bình gas mini chỉ được sử dụng một lần. Nếu tái sử dụng, chúng có nguy cơ gây cháy nổ cao. Khí gas có khả năng cháy ở bất kỳ nhiệt độ nào và khi cháy sẽ phát sinh nhiệt lớn. Khí gas thoát ra ngoài khuếch tán trong không khí, khi đạt tỉ lệ nhất định, sẽ tạo thành hỗn hợp nguy hiểm gây nổ. Nguyên nhân gây cháy nổ thường xảy ra trong quá trình giao nhận, sang nạp gas để rò rỉ khí gas, mà phần lớn là do vỏ bình gas không đạt yêu cầu kỹ thuật.
Nguy hiểm là vậy, song trên thực tế, việc sang chiết gas mini diễn ra khá phổ biến. Trong vai người đi đổi gas, chúng tôi đến một cửa hàng đổi bình gas mini gần chợ Dinh (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn). Gọi là cửa hàng nhưng thực sự đây vừa là nơi sửa xe đạp, kiêm bán tạp hóa, cho thuê truyện và cả sang chiết gas. Trước mắt tôi, một bình gas lớn được để trên ghế; chủ nhà nối hai đường ống dẫn có van để chiết gas ra những bình gas mini để ngổn ngang dưới sàn nhà.
Vừa lúc ấy, một khách hàng tới đổi bình gas, phàn nàn việc bình gas vừa đổi bị xì hơi, chủ hàng liền đem đổi ngay bình khác. Thấy khách săm soi chiếc bình gas bị móp phần đáy, chủ cửa hàng lên tiếng: “Bình mới đấy! Móp nhẹ một chút nhưng không xì gas nữa đâu”. Vậy là người khách yên tâm móc tiền thanh toán (!).
Còn nói về việc vận chuyển bình gas, nhiều người rất ít để tâm đến việc vận chuyển sao cho an toàn. Cho một lượt 4 chiếc bình gas nhỏ vào túi ni-lông rồi treo vào một bên xe máy, bạn Nguyễn Phương Thảo (ở khu vực 2, phường Nhơn Bình) thản nhiên nói: “Đổi một lần 4 bình để khỏi mất công đi”. Khi chúng tôi hỏi để vậy không sợ bình gas va đập, gây cháy nổ hay sao, Thảo giải thích: “Treo vào xe rồi mang về chứ có đập nó vào đâu đâu mà sợ nổ”.
Không chỉ vậy, nhiều người sử dụng bình gas mini còn để chúng ở những nơi khá nguy hiểm. Tại phòng trọ của sinh viên Nguyễn Thị Tiến (ở khu vực 2, phường Nhơn Bình), 2 chiếc bình gas mini được để cạnh… bếp. Thấy chúng tôi đề cập đến vấn đề an toàn cháy nổ, Tiến phân bua: “Hồi giờ cũng không để ý là nếu để bình gas gần bếp quá sẽ không an toàn”. Khi tôi hỏi tại sao không mua bình gas mini mới dùng cho đảm bảo, hầu hết các sinh viên ở trọ khu vực này đều nói: “Tốn kém lắm! 1 bình gas mới giá bây giờ tới 20.000 đồng; trong khi đổi bình gas giá chỉ tốn có 9.000 đồng”.
Những thiệt hại về nổ bình gas mini là khó có thể lường hết cho người sử dụng. Một trong những trường hợp nhập viện do nổ bình gas mini gần đây nhất trên địa bàn tỉnh ta là ông Kim Văn Lốc (41 tuổi, ở khu vực 2, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) bị bỏng do nổ bình gas. Được biết, sáng 2.12.2011, ông Lốc cùng 2 thuyền viên trên tàu BD 91158 TS hoạt động khai thác thủy hải sản trên vùng biển Đề Gi (huyện Phù Cát) thì bình gas trên tàu phát nổ làm ông Lốc bị bỏng nặng từ đầu đến chân. Vụ nổ còn làm 1 thuyền viên bị bỏng nhẹ và làm vỡ ca bin tàu.
Người sử dụng cần cẩn trọng trong việc dùng gas mini khi đun nấu. Không nên ham rẻ mà đổi các bình đã hoen gỉ, không thông số và không rõ nguồn gốc gas. Ngành chức năng cũng cần quan tâm kiểm tra, phát hiện, xử lý những trường hợp sang chiết gas không đúng quy định.
Bình gas mini nạp không đúng rất dễ cháy nổ
Về nguyên tắc, những bình gas được nạp lại gas phải thỏa mãn tỉ lệ 95% Butan, 5% Propan và áp suất hơi bão hòa trong bình ở 40oC vào khoảng 3,2kg/cm2. Nhưng khi các chủ đại lý cung ứng gas mini tận dụng các vỏ bình cũ để nạp lại gas, tỉ lệ chỉ là 50% Butan, 50% Propan hoặc 40% Butan và 60% Propan. Với tỉ lệ này, áp suất hơi bão hòa trong bình ở cùng nhiệt độ 40oC sẽ lên tới từ 8-10 kg/cm3, rất dễ gây cháy, nổ. Thêm vào đó, sau khi sử dụng quá nhiều lần, bình bị hoen gỉ, bào mòn, càng làm tăng nguy cơ cháy nổ. |
|