Thời gian gần đây, người tiêu dùng (NTD) tỏ ra lo lắng trước công nghệ “hô biến” của nhiều nhà sản xuất thực phẩm trong quá trình nuôi gia súc, chế biến thịt. Nuôi heo với hóa chất bị cấm, biến thịt ôi, thiu thành thịt tươi sống... Những mớ rau ngon, xanh chứa đầy chất độc, thuốc bảo vệ thực vật khiến người tiêu dùng đi chợ mua sắm mà lòng đầy ưu tư. Thịt và Rau là 2 nguồn thực phẩm cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho con người vậy mà NTD lại đang lo lắng khi nghĩ về ATVSTP khi sử dụng.
|
Một vườn khổ qua ở Tuy Phước được canh tác đúng theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP.
|
Ở Bình Định, đặc biệt ở Quy Nhơn, nhiều người hoang mang trước những lò mổ thịt bẩn vẫn hoạt động bình thường bất chấp cảnh báo của báo, đài. Mới đây, ngày 27.02.2012, khi Báo Bình Định đưa tin “Phát hiện nhiều mẫu rau xanh có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép” qua đợt “Giám sát và kiểm soát dư lượng hóa chất” thuộc dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh của chi cục BVTV tỉnh nỗi lo càng nhiều hơn.
Trong đợt kiểm tra này, chi cục BVTV tỉnh đã tiến hành thử nghiệm trên 2.000 mẫu rau xanh được lấy từ TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn phát hiện 177 mẫu rau xanh có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép, chiếm tỉ lệ 8,85%. Các mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV gồm có: khổ qua, đậu cô ve, rau má, cải xanh, dưa leo, bắp cải, rau muống, hành lá...
Vì sao thực phẩm không an toàn ngày càng gia tăng?
Đầu tiên, vấn đề xuất phát từ ý thức của những người sản xuất. Hầu hết những người sản xuiất thực phẩm bẩn đầu tiên là vì hám lợi, muốn đầu tư ít mà sinh lãi cao. Thứ đến, chính sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng có liên quan tạo điều kiện cho thực phẩm bẩn lan rộng trên thị trường.
Quá trình kiểm tra, kiểm dịch lỏng lẻo khiến thực phẩm không an toàn đến tay người tiêu dùng và gây ra những mầm mống nguy hại. Việc các cơ quan chức năng xử lý chưa nghiêm khắc đối với những cá nhân, tập thể vi phạm khiến tình trạng sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh dây dưa kéo dài.
Thái độ của NTD cũng góp phần cho sự gia tăng của thực phẩm bẩn. NTD chưa nhận thức hết tác hại của những phẩm không an toàn đối với đời sống. Một số người vì thiếu hiểu biết, vì giá cả thị trường leo thang... tìm đến với những thực phẩm không nhãn mác, không bao bì, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc. Sản phẩm được sản xuất an toàn, sản xuất đúng quy trình gần như bị bỏ quên, và không tìm được đầu ra.
Sự buông lỏng quản lý, thái độ không đúng đắn của NTD, ý thức của nhà sản xuất chưa cao đã tạo điều kiên và cơ hội cho sự gia tăng của thực phẩm bẩn.
Để giảm tình trạng sản xuất và tiêu thụ thực phẩm không an toàn đòi hỏi các nhà quản lý phải làm tròn trách nhiệm của mình. NTD phải biết lựa chọn những gì tốt nhất cho cuộc sống. Nâng cao ý thức của người sản xuất thực phẩm. Về lâu dài nên đầu tư những mô hình sản xuất thực phẩm an toàn.
Tại tỉnh Bình Định, mô hình sản xuất rau xanh, sạch được trồng thử nghiệm và thành công tại nhiều địa phương và thu được thành công rất tốt. Cụ thể là mô hình trồng rau sạch ở phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (Quy Nhơn), mô hình trồng rau an toàn tại vùng cao Vĩnh Thạnh (Suối Xem, Vĩnh Thạnh), mô hình sản xuất sau an toàn theo hướng VietGAP của HTX Thuận Nghĩa (Phú Phong, Tây Sơn), của nông dân huyện Tuy Phước... Những mô hình này đang được người dân ủng hộ, vì an toàn và lợi ích của cộng đồng.
Có lẽ tỉnh Bình Định nên có cơ chế hỗ trợ dài hơi để có thêm nhiều địa phương sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Để thực phẩm an toàn có đủ lực đến với người tiêu dùng, tạo thói quen tiêu dùng mới, đẩy lùi thực phẩm bẩn cho đến khi đủ sức tự mình đứng vững, Nhà nước nên tiếp sức về giá; mô hình liên kết “4 nhà” - nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước nên được thực hiện với chiến lược bài bản, dài hơi.
|