Thời gian trước, cứ mỗi lần đến cây xăng bến xe cũ thuộc Công ty Xăng dầu Bình Định, tôi cũng như nhiều người khác không khỏi thấy phiền vì những lời mời chào mua hàng rong, vé số kiến thiết. Khi rút ví ra khỏi túi để trả tiền xăng, y như ngay lập tức xuất hiện 2-3 người chào mời, nài nỉ. Nếu là người có thói quen thích mua vé số thì như thế… quá tiện lợi. Tuy nhiên với bản thân tôi và nhiều người khác vốn không có thói quen mua vé số, cũng không bao giờ dò kết quả xổ số thì thật khó xử. Mua thì thấy không cần thiết, bỏ phí; còn nếu không mua thì tội nghiệp những người chào mời.
Đáng mừng là gần đây, tình trạng trên đã giảm hẳn. Tuy nhiên, lại xuất hiện một vài người ăn xin, trong đó “nổi lên” một nam thanh niên trạc chừng 25 tuổi, trông rất “ngầu” (ảnh). Trên ngực áo anh này treo một tấm bảng, đọc loáng thoáng nội dung ghi anh ta là người thiểu năng trí tuệ, quê ở tận Thừa Thiên Huế, không biết nói… Người thanh niên này hễ thấy rút ví ra trả tiền đổ xăng liền trờ tới, tay chỉ vào tấm bảng trên ngực áo mình để “giới thiệu”, tay còn lại cầm xấp tiền, loại mệnh giá 2.000, 5.000 đồng chìa ra trước mặt người đổ xăng, ánh mắt lạnh lùng nhìn “không chớp” vào chiếc ví. Rõ ràng, ở vào tình cảnh như thế, ai nỡ (hoặc dám) không cho! Nhưng ngày này qua ngày khác, ai cũng cho anh này, ít thì một ngàn đồng, nhiều thì vài ngàn đồng, chắc hẳn số tiền sẽ không nhỏ. Điều khiến tôi cũng như nhiều người băn khoăn là không biết anh thanh niên đó có “thiểu năng” trí tuệ thật không.
Cuộc sống vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn. Tuy nhiên, ở những nơi “nhạy cảm” như cây xăng - vốn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự - tình trạng người bán hàng rong, bán vé số và người ăn xin chen lấn để mưu sinh không chỉ gây phiền toái cho người khác mà còn là nguy cơ mất an toàn về cháy nổ, trật tự giao thông. Việc giải quyết vấn đề này không phải đơn giản mà cần có sự phối hợp giữa người quản lý cây xăng với chính quyền, công an địa phương và nên giải quyết càng sớm càng tốt.
|