|
Bao giờ các trụ điện này mới được di dời? |
Báo Bình Định số ra ngày 27.3.2012 phản ánh việc tuyến đường liên xã ven đê khu Đông (đi qua địa bàn hai xã Phước Thắng, Phước Hòa, huyện Tuy Phước và xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) có 3 trụ điện hạ thế “mọc” giữa đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Sau khi báo đăng, các cơ quan chức năng không những không có giải pháp khắc phục tình trạng trên mà tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Nỗi lo tai nạn giao thông
Tháng 10.2011, Chi cục Thủy lợi, Đê điều và Phòng chống lụt bão (TL,ĐĐ&PCLB) triển khai thi công hạng mục nâng cấp, mở rộng mặt đê khu Đông đi qua địa bàn hai huyện Tuy Phước và Phù Cát. Trước khi thi công, các trụ điện nằm từ tốn ở mép đê; nhưng đầu năm 2012, sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường đê này “lòi” ra 3 trụ điện hạ thế nằm ngay giữa đường.
Anh Trương Văn Thọ, trú tại thôn An Lợi, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, bức xúc: “Mỗi khi ra đường, nhìn thấy trụ điện nằm chình ình giữa đường, tôi lại thấy bức xúc. Thời gian qua, dù các trụ điện này chưa gây ra vụ tai nạn giao thông nào nghiêm trọng nhưng các vụ người tham gia giao thông đâm trụ điện dẫn đến sứt đầu, chảy máu thì thường xuyên xảy ra. Vào ban đêm, cứ vài hôm là có người đi xe đâm vào trụ điện do không có dụng cụ cảnh báo và đèn đường”.
Giải thích vụ việc trên, ông Đặng Công Chính, Chi cục phó Chi cục TL,ĐĐ&PCLB, cho biết, việc di dời trụ điện trên hệ thống đê Đông không thực hiện được do kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng ít, không đủ để giải tỏa, di dời các trụ hạ thế theo dự toán của Điện lực Tuy Phước lập. Ngoài ra, tại cuộc họp vào ngày 9.10.2011 giữa các đơn vị liên quan bàn về việc di dời trụ điện, do chưa thống nhất được vị trí di dời trụ điện nên Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Tuy Phước chưa phê duyệt phương án di dời.
“Đá qua, đá lại” đến bao giờ?
Trước những bức xúc của người dân về việc trụ điện “mọc” giữa đường, ngày 26.3.2012, Chi cục TL,ĐĐ&PCLB đã gửi công văn cho Điện lực Tuy Phước và UBND xã Phước Thắng về việc xử lý “sự cố trụ điện” trên. Theo đó, Chi cục TL,ĐĐ&PCLB đề nghị UBND xã Phước Thắng và Điện lực Tuy Phước sớm có phương án di dời các trụ điện, trả lại chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều. Trong thời gian chưa thực hiện việc di dời, UBND xã Phước Thắng và Điện lực Tuy Phước có biện pháp cảnh báo để đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân như: Lập biển báo mức độ nguy hiểm, ban đêm phải có đèn chiếu sáng để cảnh giới người dân tham gia giao thông.
Nhận được công văn trên, ngày 29.3.2012, Điện lực Tuy Phước lập tức gửi công văn phản hồi Chi cục TL,ĐĐ&PCLB và các bên liên quan. Theo đó, Điện lực Tuy Phước cho rằng, đường dây dẫn điện hạ thế dọc đê Đông là tài sản của Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Thắng nên khi có sự thay đổi, điều chỉnh phải có ý kiến của của Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Thắng và UBND xã Phước Thắng. Trước khi thi công, Chi cục TL,ĐĐ&PCLB cần có phương án, tổ chức giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình, trong đó có các trụ điện hạ thế nằm trong quy hoạch…
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Thắng, cho biết: “Lẽ ra, trong quá trình giải phóng mặt bằng, Chi cục TL,ĐĐ&PCLB phải di dời các trụ điện trước khi thi công. Thế nhưng, chẳng hiểu sao họ đã bỏ qua việc này và đổ bê tông mặt đường lấp lên các trụ điện hạ thế. Bởi vậy, việc di dời trụ điện sau này không dễ thực hiện. Đã vậy, sau khi thi công xong, Chi cục TL,ĐĐ&PCLB còn yêu cầu Điện lực Tuy Phước sớm có phương án di dời các trụ điện để trả lại chỉ giới hành lang đê mà không nhắc gì đến kinh phí đền bù, giải tỏa là không chấp nhận được. Tuy nhiên, việc Điện lực Tuy Phước cho rằng, các trụ điện trên là tài sản của Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Thắng cũng không phải, vì từ năm 2009, Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Thắng đã bàn giao lưới điện hạ áp cho Điện lực Tuy Phước quản lý, kinh doanh”.
Trong khi các đơn vị liên quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì các trụ điện vẫn nằm giữa đường, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông. Nếu các ngành chức năng sớm ngồi lại để bàn giải pháp di dời trụ điện thì có lẽ sẽ hay hơn nhiều so với việc gửi công văn qua lại để tranh luận về “trách nhiệm”.
|