Chỉ trong vòng một tuần (từ ngày 25-31.3), Báo Bình Định đăng hai tin về việc Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn và Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát thả hai con culi nhỏ vào rừng. Theo bản tin, culi nhỏ có tên khoa học là Nycticebus pygmaeus, là động vật quý hiếm thuộc nhóm 1B cần được bảo vệ.
Điều đáng mừng là hai con culi nhỏ này đều do người dân bắt được và tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng. Điều này cho thấy ý thức của một bộ phận người dân trong việc bảo vệ động vật quý hiếm đã được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, người đọc cũng có chút băn khoăn về cách xử lý của cơ quan chức năng. Theo nhận định của các chuyên gia về động vật hoang dã, Bình Định không phải là nơi culi nhỏ thường sinh sống, điều này đồng nghĩa với việc hai cá thể culi này “lưu lạc” đến tỉnh ta chứ không phải là “dân bản địa”. Và giải pháp thả hai con culi này vào một khu rừng ở Bình Định là không phù hợp, bởi điều kiện tự nhiên, thức ăn ở đây có nhiều khác biệt so với khu vực loài culi nhỏ thường sinh sống.
Nếu xác định culi nhỏ là động vật quý hiếm cần được bảo vệ, cơ quan chức năng của tỉnh cần phối hợp với các đơn vị liên quan đưa chúng đến nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp với loài động vật này. Khi đó, mục đích của đợt cứu hộ mới đạt được kết quả mỹ mãn nhất. Còn việc chỉ đem thả vào bất cứ một khu rừng nào, những con culi nhỏ này có thể đối mặt với nhiều rủi ro ở vùng đất mới như: không có thức ăn, bị động vật khác ăn thịt...
Thiết nghĩ, bên cạnh việc giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã của người dân, cách xử lý của các cơ quan chức năng về vấn đề này cũng cần chặt chẽ, bài bản và khoa học hơn.
|