Gần đây, đọc Báo Bình Định, tôi thấy có một số tin, bài viết về số phận của 2 con culi nhỏ (tên khoa học là Nycticebus pygmaeus, là động vật quý hiếm thuộc nhóm 1B cần được bảo vệ).
Đặc biệt, tôi đồng tình và chia sẻ với quan điểm của bạn đọc L.C. trong bài viết “Đã thương thì thương cho trót” đăng trên số 4616, ra ngày 5.4.2012. Hai con culi nhỏ này vốn không phải loại động vật bản địa, nên việc Hạt Kiểm lâm thả vào rừng ở Bình Định không biết chúng sẽ tồn tại như thế nào? Một khi đã thả chúng vào rừng, trách nhiệm của cơ quan chức năng coi như “hoàn thành”, còn việc chúng sống chết thế nào, âu đành “may nhờ rủi chịu”?
Lâu nay, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe thông tin ngành chức năng thả động vật hoang dã như rùa, rắn, chồn, cheo, nhím…, chủ yếu là tang vật của các vụ mua bán động vật hoang dã trái phép, về thiên nhiên. Tuy nhiên, những loài động vật này phần lớn là loài bản địa, có thể sống tốt. Nhưng với hai con culi nhỏ nêu trên lại hoàn toàn khác. Việc dùng chung một… công thức “xử lý” đối với các loài động vật hoang dã là đem chúng thả vào rừng có lẽ không phù hợp. Thay vào đó, với những loài động vật như culi nhỏ, các cơ quan chức năng nên liên hệ với các trung tâm nuôi dưỡng, bảo tồn động vật hoang dã… để chúng được nuôi dưỡng, chăm sóc thì có lẽ phù hợp hơn.
|