Đọc bài viết “Để di tích đẹp hơn” đăng trên Báo Bình Định số Chủ nhật, ra ngày 22.4.2012, nói về thực trạng ở di tích Đồi 10 (xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn) tôi có vài suy nghĩ muốn chia sẻ.
Trước hết, tôi vui vì còn nhiều bạn trẻ tìm đến các di tích lịch sử nhằm tìm hiểu, học tập truyền thống cách mạng. Tôi cũng đồng tình với ý kiến đóng góp của bạn đọc Nguyễn Huyền rằng, cần có sự quan tâm và đầu tư để di tích này trang nghiêm, cảnh quan sạch đẹp hơn, thu hút cán bộ, nhân dân, nhất là đoàn viên - thanh niên đến tham quan, tìm hiểu truyền thống.
Ở góc độ khác, mới xem qua bài viết “Để di tích đẹp hơn” người đọc dễ có cảm giác hụt hẫng, lo lắng. Tuy nhiên, những thiếu sót (nhếch nhác, mất vệ sinh…) như vậy ở Di tích Đồi 10 không phải phổ biến ở tất cả các di tích và ở góc độ nào đó cần thông cảm với chính quyền cơ sở. Bởi di tích thường nằm ở đồi, núi chưa có quy hoạch cụ thể nên việc chỉnh sửa, dọn cảnh quan chỉ có thể tiến hành vào thời điểm kỷ niệm hàng năm hoặc vào năm chẵn.
Cần nhìn nhận nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc trùng tu, bảo dưỡng các chứng tích lịch sử những năm gần đây. Tỉnh ta có rất nhiều di tích, trong khi ngân sách còn hạn chế, nên việc đầu tư không thể dàn trải nên phải cân nhắc, tính toán thời điểm cho phù hợp.
Vấn đề quan trọng hiện nay là các cấp hữu quan cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan di tích của mỗi người dân sống quanh di tích và khách tham quan; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đảm nhận chăm sóc di tích của học sinh các trường học và đoàn viên - thanh niên các cơ sở đoàn ở địa phương.
|