Cây mai dương - một loài thực vật ngoại lai, gây hại cho đất và môi trường đang phát triển quá nhanh ở tỉnh ta. Tuy nhiên, hiện nay người ta vẫn chưa tìm ra giải pháp tiêu diệt loài thực vật ngoại lai gây nguy hiểm này.
|
Cây mai dương đang lấn dần đất nông nghiệp ở thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát. |
Anh Nguyễn Văn Bình, một nông dân ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, lo lắng: “Cách đây 5 năm, dọc theo các bờ kênh thủy lợi chỉ thấy lác đác vài cây mai dương, còn nay thì chỗ nào cũng có, lụt ngập nó không chết, ruộng sa bồi chưa kịp khắc phục thì cây này liền chiếm chỗ mọc ken dày. Ngay cả vùng đầm lầy cây mai dương cũng sinh sôi được. Bà con chúng tui phát, chặt, đốt, chỉ một vài tháng sau, nó mọc xanh um trở lại. Rễ cây này đâm rất sâu, lại dày, muốn trục lên để diệt tận gốc, phải có đông người chứ một hai gia đình làm không xuể”.
Cây mai dương đã mọc tràn lan ở hầu hết các xã đồng bằng trong huyện Tuy Phước, nhất là các xã khu Đông, lấn dần hệ thống kênh mương thủy lợi, bờ ruộng, đường giao thông, vườn nhà, gây bức xúc cho người dân. Một số bà con nông dân nóng lòng tự chặt phá, phát đốt trên phần đất của mình, nhưng những cố gắng nhỏ lẻ đó đã không làm giảm tốc độ sinh sôi, phát triển của cây mai dương từ vùng đất này sang vùng đất khác.
Theo ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phước, thì trên địa bàn huyện Tuy Phước, nhiều xã cây mai dương mọc trên các tuyến đê sông, bờ ruộng nhất là 4 xã ven đầm Thị Nại (Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận) và các xã Phước Nghĩa, thị trấn Tuy Phước, Phước Quang, Phước Hưng cũng xuất hiện nhiều cây mai dương mọc trên vùng đất nông nghiệp và đất hoang. Trước mắt chỉ có thể vận động dân tự phát, dọn để thông thoáng dòng chảy kênh mương. Đối với những tuyến đê đã gia cố có cây mai dương mọc trên mái, chính quyền xã sẽ thuê phát dọn, còn mọc trên bờ ruộng thì người dân phải tự lo. Hiện tại, chưa có thuốc, hóa chất nào diệt cây mai dương triệt để cả”.
|
Các vùng đầm lầy ở huyện Tuy Phước cây mai dương cũng phát triển. (Ảnh chụp tại thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng). |
Cây mai dương phát triển nhanh khắp cả tỉnh, đặc biệt dọc các bờ sông, bờ soi, bãi đất hoang. Hiện tượng này không chỉ có ở huyện Tuy Phước mà ở Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn cũng đang đối diện với hiểm họa này. Ở huyện Hoài Nhơn cây mai dương mọc dày dọc theo bờ Lại Giang. Ở huyện Phù Cát, nhiều xã như Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng… đang đối mặt với cây mai dương mọc dày các bờ kênh, dọc đường giao thông, nông dân liên tiếp chặt, có nơi bà con dùng làm chất đốt. Nhưng dù chặt phá đến mấy, cây mai dương vẫn tồn tại dai dẳng. Ông Nguyễn Từ Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, huyện Phù Cát cho biết: “Ở xã này, cây mai dương phát triển nhanh lắm. Bà con làm ruộng cứ đầu vụ là tự phát, đốt, chính quyền chỉ tuyên truyền khuyến cáo chứ chưa hỗ trợ được gì”.
Việc cây mai dương mọc tràn lan khắp các nơi trong tỉnh, lấn chiếm đất canh tác như hiện nay đã trở thành hiểm họa thật sự. Không chỉ gây ra nhiều trở ngại cho việc đi lại trên đồng ruộng, ngăn cản dòng chảy trên kênh mương, loài thực vật này còn làm đất bị thoái hóa, bạc màu.
Đề nghị các các ngành Nông nghiệp, Khoa học công nghệ cần nghiên cứu, tìm cách tiêu diệt loại cây nguy hại này.
Cây mai dương có tên khoa học là Mimosa Pigra, có nguồn gốc từ châu Mỹ, thuộc loài thân bụi họ đậu, thân nhiều gai cứng, sống ở trên cạn hoặc dưới nước. Cây sinh trưởng nhanh, sau 6 tháng sẽ đơm hoa, kết trái, có khả năng tái sinh, lan rộng cực kỳ lớn theo hàm mũ cơ số 2 (một héc ta nếu không kiểm soát, sau 10 năm cây có thể phát triển thành 1.024ha).
Cây mai dương làm cho đất nghèo chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật trong rừng, do chứa chất mimosin - loại acid amin có thể gây độc với nhiều loài. Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước…
Từ năm 2000, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đã xếp cây mai dương là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới. |
|