Khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, có ít nhất 200 hộ sống ở 4 xã ven đầm Trà Ổ gồm: Mỹ Châu, Mỹ Thắng, Mỹ Đức và Mỹ Lợi, nhất là bà con thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu) hay sử dụng chiếc lờ do Trung Quốc sản xuất để khai thác đánh bắt các loại thủy sản trên đầm Trà Ổ.
|
Ông Trương Văn Quý, Trưởng thôn, kiêm nhóm trưởng Nhóm hạt nhân Châu Trúc đang giải thích tính năng của lờ “bát quái”.
|
Chiếc lờ này có khả năng vơ vét các loài thủy sinh từ nhỏ đến lớn và tác hại đến môi trường lên tới mức báo động.
Một chiếc lờ lưới nhỏ thường dài 7m, chia nhiều ô, mỗi ô có 2 toi 2 bên; các toi ở giữa ăn thông với nhau đến tận 2 đầu lờ có sẵn 2 đáy để dồn tôm, cá… khi kéo lờ lên khỏi mặt nước. Bao quanh lờ là lưới được đan ô nhỏ, cỡ 2-3 li, nên thủy sản dù nhỏ đến đâu, khi đã vào lờ thì bị mắc luôn trong đó.
Ông Nguyễn Thanh, một người dân ở thôn Châu Trúc, bức xúc: “Tui thấy từ khi xuất hiện lờ Trung Quốc sản xuất trên đầm này, thì từ con cua, con rạm cho đến con tôm, con tép to nhỏ, lớn bé gì đều vô tuốt, mà vô rồi thì đừng hòng có đường ra! Chính quyền phải làm sao chứ không khéo một thời gian không lâu nữa đầm Trà Ổ sẽ không còn gì”.
Người thả lờ không phải làm mồi, chỉ việc thả lờ xuống, sáng ra dở lên trút tôm, cua, cá, chình, ốc… rồi lại thả xuống tiếp. Việc giăng lờ ít nhọc công, nhưng có thể bắt được hải sản đủ cỡ, đủ loại.
|
Lờ Trung Quốc phơi bên đầm Trà Ổ.
|
Hiện nay, bình quân mỗi chủ lờ thường thả đến 100 chiếc. Sau một đêm, bình quân mỗi người có thể thu được một lượng thủy sản có giá từ 200 - 300 ngàn đồng. Thấy dễ ăn, mà chính quyền địa phương lại không cấm, nhiều hộ bỏ ra 30 - 40 triệu đồng đi mua lờ về thả. Đến nay thì không ai biết trên đầm hiện có bao nhiêu lờ, tuy nhiên điều chắc chắn đó là một con số rất lớn.
Trưởng thôn - kiêm nhóm trưởng Nhóm hạt nhân Châu Trúc, ông Trương Văn Quý, cho biết: “Toàn thôn hơn 340 hộ dân, có gần 150 hộ sống nghề đánh bắt thủy sản ở đầm, trong đó đã có hơn 100 hộ sắm lờ bát quái (một cách gọi khác của nhiều người dân địa phương). Việc thả lờ nay đã lan sang các xã khác; số lượng lờ ngày càng nhiều, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt thấy rõ!”.
Đầm Trà Ổ được thiên nhiên ban tặng nhiều đặc sản có giá trị như chình mun, chình bông, cá bống tượng, cá lóc, tôm... với mật độ tương đối dày. Khoảng chục năm trở lại đây, các loại quý hiếm như chình mun và một số loài cá nước lợ bị khai thác cạn kiệt. Sau nhiều năm bị tàn hại bởi xung điện xiếc máy, bị ô nhiễm môi trường do rác thải, thuốc bảo vệ thực vật dùng cho các đồng lúa quanh đầm; nay xuất hiện thêm chiếc lờ đáng sợ này, nguồn lợi thủy sản của đầm này bị xâm hại đến mức báo động.
Bức xúc trước thực trạng trên, ông Võ Văn Phu, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu, kiến nghị: “Chính quyền các cấp và ngành chức năng cần sớm kiểm tra thực tế và cấm sử dụng các loại lờ kể trên để góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản”.
|