|
Lực lượng CSGT cân kiểm tra trọng tải xe. |
Ô tô chở hàng quá tải trọng của phương tiện, của cầu, đường cho phép đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông và hư hỏng các công trình giao thông đường bộ. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp xe quá tải qua địa bàn tỉnh.
Nhiều kiểu vi phạm
Trong khoảng 30 phút có mặt dọc quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, chúng tôi đã chứng kiến hàng chục xe tải bị lực lượng CSGT lập biên bản về lỗi chở quá tải trọng; hầu như xe nào bị chặn lại để kiểm tra đều bị mắc lỗi này. Chiếc container mang biển số 51R 6708 do Nguyễn Hữu Tấn, ngụ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã chở hàng với tải trọng gấp đôi quy định (theo quy định xe này chỉ được phép chở 25 tấn, nhưng đã chở lên đến 40 tấn).
Chiếc xe tải mang biển kiểm soát 77C-00754 do Nguyễn Văn Hùng ở huyện Phù Mỹ điều khiển, chỉ được phép chở hàng với tải trọng 23,56 tấn, nhưng đã chở 50 tấn, vượt quá 30% tải trọng so với quy định. Đề cập đến việc này, tài xế Hùng lý giải: “Nếu chở hàng đúng tải trọng thì không đủ chi phí…”. Hay như trường hợp xe tải biển kiểm soát 92H-0205 do Nguyễn Thanh Tiên, tỉnh Quảng Nam điều khiển, khi lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra tải trọng và giấy tờ liên quan thì tài xế này chỉ còn lại mỗi giấy phép lái xe. Vì trước đó, xe tải này lần lượt bị xử phạt tại các tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa với các lỗi chạy vào đường cấm, điều khiển phương tiện thiếu đèn chiếu sáng và chở hàng vượt quá tải trọng trên 30% so với quy định. Biện hộ cho sai phạm của mình, tài xế Nguyễn Thanh Tiên nói: “Do chủ hàng đặt chở cả lô hàng, đã mất công chở nên chở luôn!”.
Thật khó chấp nhận các kiểu biện hộ như thế này. Đối với những trường hợp chở quá tải trọng, ngoài phạt tiền, lực lượng chức năng đã tước giấy phép lái xe của tài xế trong thời hạn từ 30 đến 60 ngày, tùy từng lỗi vi phạm.
Khó khăn trong xử lý
Thực tế cho thấy, hầu hết các xe tải bị lực lượng chức năng kiểm tra đều chở hàng quá tải trọng cho phép. Song có một điểm chung mà cơ quan chức năng gặp khó khăn khi phải dừng xe để kiểm tra, xử lý vi phạm là khâu hạ tải, vì hiện nay ngành chức năng chưa có bãi giữ ô tô chở quá khổ, quá tải. Theo Trung tá Đoàn Văn Sỹ - Trưởng Trạm CSGT Tuy Phước, Công an tỉnh: “Vì phương tiện chuyển tải chưa có và có một số mặt hàng đặc thù như hàng tươi sống, hàng đã kẹp chì niêm phong của hải quan, nên việc buộc chủ hàng và chủ phương tiện mở container để hạ tải khá phức tạp; vì phải thành lập Hội đồng theo quy định pháp luật. Mặt khác, khi cơ quan chức năng buộc phải hạ tải phần quá tải, dỡ phần quá khổ, nhưng địa điểm hay phương tiện trung chuyển lại do nhà xe chịu trách nhiệm, nếu không hạ tải thì khi lưu thông sẽ lại bị xử phạt”.
Vì vậy, để hạn chế tình trạng xe quá khổ, quá tải, không chỉ riêng lực lượng CSGT mà đòi hỏi các ngành, các cấp cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức thực hiện nghiêm pháp luật giao thông đường bộ cho người lái xe. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiếp tục chỉ đạo duy trì công tác kiểm soát và xử lý phương tiện giao thông chở quá khổ, quá tải trên tuyến, nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông, gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của “Năm An toàn giao thông 2012” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thống kê của Phòng CSGT tỉnh, trong 2 tháng cao điểm ra quân xử lý các trường hợp xe quá khổ, quá tải, riêng tuyến quốc lộ 1A lực lượng đã lập biên bản và xử lý 212 trường hợp, phạt tiền 186 triệu đồng, buộc hạ tải hàng trăm tấn hàng. Tước giấy phép lái xe 200 trường hợp, trong đó có 16 trường hợp bị tước giấy phép lái xe trong vòng 60 ngày. |
|