Gần 3 năm nay, hàng chục hộ dân sinh sống dọc sông Côn đoạn chảy qua thôn Quảng Điền, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) phải sống thấp thỏm vì bờ sông bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng. Hiện nhiều diện tích đất canh tác, nhà cửa của bà con đang đứng trước nguy cơ bị “hà bá” nhấn chìm.
Theo tìm hiểu, cách đây chừng hơn 10 năm, khoảng cách từ bờ sông đến vùng đất canh tác dọc sông rộng gần 30m. Nhưng gần 3 năm trở lại đây, mưa lũ triền miên, nước lũ xâm thực, ăn sâu vào trong mỗi năm tới 1 - 2m. Đến nay khoảng cách từ bờ sông đến ruộng chỉ còn chừng hơn 20m. Ngoài ra, tình trạng một số người lén lút khai thác cát khiến nạn sạt lở thêm nghiêm trọng.
|
Ông Trần Đình Thọ, một người dân trong vùng lo lắng trước tình trạng bờ sông đang bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng. Ảnh: LỢI NGUYỄN |
Ông Trần Đình Thọ (80 tuổi), người dân sinh sống tại khu vực này, lo lắng: “Tình trạng sạt lở bờ sông hiện đã lấn sâu vào nhiều quỹ đất canh tác của các hộ dân sống trong vùng, gần 5 sào ruộng đã bị sông cuốn trôi hơn nửa và hiện đang tiếp tục tiến sát vào con đường ven thôn, cứ cái đà này, sau mùa lũ tới ruộng của tôi sẽ mất sạch!”.
Lo về đất canh tác dọc bờ sông có nguy cơ đổ xuống lòng sông đang chực chờ hằng ngày. Song điều khiến cho hơn 13 hộ dân ở đây bất an nhất là nguy cơ nhiều ngôi nhà của bà con nơi đây có thể bị nhấn chìm xuống sông bất kỳ lúc nào trong mùa mưa lũ.
Ông Nguyễn Tuân (65 tuổi), một cư dân nơi đây, than thở: “Hiện nay, tình trạng sa bồi cát đê sông diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng khiến cho dòng chảy bị thay đổi nên mỗi khi nước từ thượng nguồn đổ về với cường độ lớn thì dòng nước thường xoáy sâu vào đoạn sông xóm Miễu Nam. Nếu không tu bổ, xây dựng bờ kè kịp thời thì khu vực này sẽ ngày càng bị sạt lở, lúc đó sẽ đe dọa hàng chục ngôi nhà tại làng Quảng Điền nơi đây”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Quang, cho biết: “Tâm lý lo sợ của người dân về tình trạng sạt lở bờ sông hoàn toàn có cơ sở. Thực tế qua mỗi mùa lụt, cuộc sống người dân hết sức khó khăn. Hằng năm địa phương cũng đã quan tâm đóng cọc bằng tre gia cố chống đỡ bờ kè. Nhưng do kinh phí quá ít nên chỉ gia cố tạm thời. Chúng tôi và bà con nơi đây mong muốn tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí, gia cố bờ sông theo hướng kiên cố hóa để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho dân”.
|