Là một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, Bình Ðịnh có tổng diện tích tự nhiên 6.025 km2; dân số trên 1,5 triệu người, trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm 53%. Phía Bắc Bình Ðịnh giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp Phú Yên, phía Tây giáp Gia Lai, phía Ðông giáp biển Ðông. Bình Ðịnh cách thủ đô Hà Nội 1.065 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 680 km.
Bình Ðịnh là tỉnh có hệ thống giao thông khá đồng bộ. Trên địa bàn tỉnh có quốc lộ 1 A và tuyến đường sắt Bắc - Nam xuyên suốt chiều dài của tỉnh, có quốc lộ 19 chạy theo hướng Ðông - Tây, có sân bay Phù Cát (một trong bốn sân bay lớn ở phía Nam, cách thành phố Quy Nhơn 30 km, hiện nay ngày nào cũng có chuyến bay Quy Nhơn - thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại), có cảng biển Quy Nhơn (một trong 10 cảng biển lớn của cả nước với vùng neo đậu kín gió, có cầu cảng và phương tiện đón tàu có trọng tải 30.000 tấn ra vào an toàn). Với hệ thống giao thông như vậy, Bình Ðịnh nối liền và dễ dàng thông thương với các tỉnh Tây Nguyên, Ðông Bắc Campuchia, Nam Lào và Thái Lan.
|
Múa võ dưới tượng đài Quang Trung, Quy Nhơn |
Trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh có trường Ðại học sư phạm Quy Nhơn, đào tạo đa lĩnh vực với 29 ngành khác nhau; có trường Công nhân kỹ thuật, trường Cao đẳng sư phạm và các trường Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Hàng năm các trường này đào tạo hàng ngàn cán bộ khoa học kỹ thuật cho tỉnh và khu vực. Theo kế hoạch của tỉnh, trong năm 2003-2004, Bình Ðịnh sẽ thành lập thêm một trường Ðại học dân lập.
Bình Ðịnh từng là cố đô của Vương quốc Champa nên hiện vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa Chăm độc đáo và phong phú, đặc biệt là thành Ðồ Bàn và hệ thống các tháp Chàm. Bình Ðịnh còn là nơi xuất phát và là thủ phủ của phong trào nông dân thế kỷ 18 với tên tuổi của người anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung; là quê hương và nơi nuôi dưỡng tài năng của các danh nhân như Ðào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan…
Bình Ðịnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn rất phong phú để phát triển du lịch. Có bờ biển dài với nhiều vũng, vịnh, bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh như: Bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu, Tam Quan, Ðảo Yến, Quy Hòa, Bãi Dài… Hiện nay Bình Ðịnh đang tập trung cho lĩnh vực du lịch, trong đó chú trọng đến cơ sở hạ tầng du lịch.
Nguồn điện của Bình Ðịnh nhận từ lưới điện quốc gia, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống. Hiện 100% xã trong tỉnh đã có điện, trong đó 151/155 xã, phường có điện lưới quốc gia, 4/155 xã dùng điện diesel do tỉnh đầu tư.
Hệ thống cấp nước với công suất 20.000 m3/ngày đêm tại thành phố Quy Nhơn và hiện đang được nâng cấp để tăng công suất lên 45.000 m3/ngày đêm, và các hệ thống cung cấp nước sạch khác tại các khu vực khác ngoài thành phố Quy Nhơn.
Có đủ hệ thống Ngân hàng Trung ương tại Bình Ðịnh gồm: Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và các Chi nhánh Ngân hàng thương mại quốc doanh, Quỹ tín dụng nhân dân. Hệ thống này có đủ khả năng huy động vốn và đáp ứng nhu cầu vốn bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ.
Trong thời gian qua, Bình Ðịnh đã hình thành và phát triển các ngành sản xuất công nghiệp như chế biến nông lâm thủy sản, hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, may mặc, giày dép xuất khẩu. .. Các ngành này đã được củng cố và gắn kết lại để tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều sản phẩm chất lượng cao như: Hải súc sản cấp đông, yến sào, đường RS, bia, hàng song mây - mỹ nghệ, đồ mộc dân dụng, đá granite ốp lát, các sản phẩm từ titan, cao su, may mặc, giày dép, dược phẩm. .. Khoáng sản tương đối đa dạng, đáng chú ý nhất là đá granite có trữ lượng khoảng 500 triệu m3, với nhiều màu sắc đỏ, đen, vàng; sa khoáng ilmenite, các điểm nước khoáng, quặng vàng sa khoáng.
Với bờ biển dài 134km và vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế rộng lớn, Bình Định có nguồn lợi hải sản phong phú và có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá ngừ đại dương, tôm, mực, yến sào, tôm hùm, cua huỳnh đế. .. Số lượng tàu thuyền đánh cá gắn máy hiện có trên 5.700 chiếc, tổng công suất gần 230.000 CV có khả năng khai thác hàng năm 80.000 tấn hải sản. Ngoài ra với hàng ngàn ha diện tích mặt nước lợ, nước ngọt tự nhiên rất thuận lợi cho việc nuôi tôm cá.
Toàn tỉnh hiện có diện tích đất lâm nghiệp có rừng: 196.644 ha, đất nông nghiệp: 117.392 ha. Sản lượng lương thực cây có hạt 560.000 tấn. Bình quân lương thực đầu người (2001): 372 kg/năm.
* Ðịnh hướng ưu tiên phát triển:
- Chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, vật nuôi.
- Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
- Phát triển xuất khẩu.
- Phát triển du lịch.
- Phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng.
- Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
- Phát triển nguồn nhân lực.
* Các khu công nghiệp của tỉnh:
1- Khu công nghiệp Phú Tài diện tích 188 ha và đang mở rộng thêm 140 ha:
Nằm trên địa bàn phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, cách cảng biển Quy Nhơn 12km về phía Tây, cách ga đường sắt Diêu Trì 2km và cách sân bay Phù Cát 20km về phía Nam. Hệ thống đường giao thông đối nội là đường thảm nhựa theo mạng ô vuông bàn cờ, lộ giới từ 20 - 40m. Nguồn cấp điện từ Trạm điện Phú Tài và trạm trung gian 100/22KV với tổng công suất 100 MVA, hệ thống lưới điện áp 22 - 35KV đến hàng rào doanh nghiệp. Nguồn cấp nước từ Nhà máy nước Phú Tài với công suất 8.500m3/ngày (giai đoạn 1); hệ thống thoát nước thải và các nhà máy xử lý nước thải công suất 8.000m3/ngày; hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Hiện đã có 96 dự án đăng ký vào KCN Phú Tài với nhiều ngành nghề và trong đó có 55 doanh nghiệp đang hoạt động.
2- Khu Công nghiệp Long Mỹ diện tích 100 ha:
Nằm ở địa bàn xã Phước Mỹ, huyện Tuy Phước, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 18km về phía Tây Nam. Liền kề với KCN Phú Tài về phía Tây, các ngành vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, phân bón, nhựa cao su, cơ khí nông lâm nghiệp sẽ được ưu tiên thu hút vào khu vực này.
3- Khu Ðô thị mới và Khu Công nghiệp Nhơn Hội:
Nằm trên bán đảo Phương Mai, thuộc 2 xã Nhơn Hội, Nhơn Lý của thành phố Quy Nhơn và một phần của xã Phước Hòa huyện Tuy Phước. Phương Mai là bán đảo nằm phía Ðông Bắc thành phố Quy Nhơn có diện tích khoảng 10.000 ha, trong đó diện tích mặt bằng có thể xây dựng là 4.200 ha, phía Ðông và Nam giáp biển Ðông, có dãy núi Phương Mai ngăn gió bão, phía Tây là đầm Thị Nại rộng 5.060 ha, phía Bắc và Tây Bắc là vùng đất duy nhất nối liền bán đảo với nội địa. Ðịa hình bán đảo Phương Mai hiện trạng chủ yếu là đất cát và đồi núi, không bị ngập lụt, địa chất khu vực ổn định, không có di sản văn hóa hay quần thể kiến trúc kiên cố, dân cư thưa thớt thuận lợi cho việc xây dựng công trình. Mới đây, ngày 03/11/2002 tỉnh vừa khởi công xây dựng công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội nối nội thị Quy Nhơn hiện hữu với Bán đảo Phương Mai và dự kiến đến giữa năm 2005 công trình sẽ hoàn thành.
Theo định hướng phát triển chung, trong tương lai gần khu vực này sẽ được đầu tư phát triển thành các khu: Khu đô thị mới Nhơn Hội, với không gian kiến trúc hiện đại; Khu công nghiệp lớn Nhơn Hội với các tổ hợp sản xuất đa dạng, kỹ nghệ cao và không gây ô nhiễm môi trường; gắn liền với Khu công nghiệp Nhơn Hội là Khu cảng biển nước sâu Nhơn Hội (nơi mở rộng cảng Quy Nhơn hiện hữu về phía Nhơn Hội theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ) và khu vui chơi giải trí gắn với du lịch sinh thái trên đầm Thị Nại và tuyến du lịch Phương Mai - Núi Bà cùng với các điềm du lịch khác trên địa bàn tỉnh để trong tương lai Bình Ðịnh trở thành một trong những điểm du lịch lớn của khu vực. Cùng với sự hình thành các khu trên sẽ là sự phát triển các kết cấu hạ tầng thiết yếu và các loại hình dịch vụ thương mại, tài chính phục vụ cho sự phát triển của toàn tỉnh. Sự hình thành khu vực này sẽ là điểm nhấn quan trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh và là bước đột phá đưa Bình Ðịnh trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực trong thế kỷ 21.
4- Cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN):
Ðã hình thành Cụm CN-TTCN Gò Ðá Trắng 12 ha (huyện An Nhơn) và Cụm CN-TTCN Quang Trung 4,4 ha (phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn).
Ðang xúc tiến hình thành 6 cụm CN-TTCN tiếp theo tại Quy Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn. Các ngành nghề chủ yếu: Chế biến lương thực - thực phẩm, chế biến gỗ, cơ khí nhỏ, sản xuất gạch ngói, hàng tiêu dùng. .. |