Nghề nuôi ngọc trai - tiềm năng và triển vọng
22:7', 1/2/ 2005 (GMT+7)

Nuôi trai ngọc là một nghề khá phổ biến ở các quốc gia như: Nhật Bản; Miama; Tahiti... Ở Trung Quốc mỗi năm nước này sản xuất bình quân khoảng 75 tấn ngọc trai - tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động. Mới đây, một công trình nghiên cứu nuôi trai lấy ngọc ở biển Quy Nhơn đã bước đầu thành công rực rỡ. Những viên ngọc trai đạt chất lượng quốc tế được khai thác từ năm 2000 đến nay, đã mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho ngư dân...

Ở nước ta, thiên nhiên ưu đãi một chiều dài bờ biển hàng ngàn kilômét với nhiều vùng sinh thái phù hợp cho nghề nuôi trai lấy ngọc phát triển. Theo kết quả nghiên cứu của một số đề tài khoa học gần đây, người ta đã xác định nhiều giống trai ngọc sinh trưởng khá phổ biến ở một số vùng bờ biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Giống trai ngọc có tên khoa học là Pieria (Pinetada) Martensii Dunker thường thấy xuất hiện ở các vùng biển thuộc Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Vũng Tàu - Côn Đảo và Bình Định. Ở vùng duyên hải miền Trung, nghề nuôi trai ngọc bắt đầu manh nha phát triển vào khoảng đầu những năm 90. Tuy vậy đến nay cũng chỉ có dăm bảy cơ sở nuôi ngọc lấy trai quy mô nhỏ.

Tại Quy Nhơn, qua thăm dò của Sở Thủy sản Bình Định đã phát hiện trên vùng ven biển có một số loài ngọc trai sinh sống, phát triển. Sự tồn tại này hầu như chưa được sự chú ý đặc biệt nào của người dân cũng như ngành chức năng. Loại trai có khả năng làm ngọc ở đây nhiều năm phải sống “ẩn tích” cùng với các sinh vật ít giá trị khác dưới vùng nước san hô ven bờ. Trong 3 năm từ 1998 - 2000, một đề tài nghiên cứu khoa học về giống trai ngọc nuôi tại vùng biển Quy Nhơn đã được Sở Thủy sản Bình Định tiến hành thực hiện. Bờ biển Hải Giang thuộc xã đảo Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn được chọn làm nơi nuôi cấy trai ngọc thử nghiệm. Sau khi tiến hành điều tra các điều kiện môi trường biển tại khu vực nói trên, xác định các loại trai biển đã tồn tại, sinh trưởng lâu nay. Nhóm nghiên cứu đã thuê ngư dân khai thác 2 loại trai có sẵn ở địa phương được 16.000 con, chủ yếu là trai giống nguyên liệu tại chỗ. Sau khi triển khai thành công bước I về nuôi trai cấy ngọc trong thời gian từ 4 đến 5 tháng, nhóm nghiên cứu đã thu hoạch bước đầu được hàng trăm viên ngọc trai thành phẩm. Kết quả khả quan này đã mở ra hướng phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc cho ngư dân trong tỉnh, cũng như làm rộ lên phong trào đầu tư nuôi trai ngọc ở khu vực duyên hải miền Trung.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, trai đến thời kỳ lấy ngọc phải đạt từ 5,5cm trở lên và nặng trên 20 gam. Mẻ trai nuôi thử nghiệm ở vùng biển Quy Nhơn từ trên 1 năm là có thể khai thác được ngọc. Số trai ngọc của Bình Định nuôi thử nghiệm từ các năm 1998 - 2000 có tỷ lệ sống rất cao, khoảng 48 - 75%. Trong đó tỷ lệ tạo ngọc đạt từ 23,2 - 31%. Ngọc trai Bình Định có màu ánh bạc và ánh vàng. Đây là 2 loại màu được thị trường thế giới ưa chuộng nhất hiện nay. Theo ông Kichinosuke Hiraga chuyên gia người Nhật Bản - giám đốc Công ty ngọc trai Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa thì màu sắc của ngọc trai Bình Định đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài số trai di giống từ Quảng Ninh chưa tạo ngọc đáng kể, thì ngược lại giống trai ngọc nội địa P.Martensii - Quy Nhơn lại cho một số lượng hàng trăm viên ngọc trai thành phẩm loại tốt. Sau khi nghe tin các nhà khoa học nuôi thành công trai ngọc, hàng trăm hộ ngư dân ở vùng biển Quy Nhơn đã đề nghị lên Trung tâm khuyến ngư Bình Định giúp giống và kỹ thuật, cũng như chuyển giao công nghệ nuôi cấy trai ngọc để nhân dân tự phát triển.

Hiện nay cả nước ta chỉ rất ít điểm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nuôi trai ngọc có kết quả và nhìn chung đều vẫn đang ở giai đoạn thăm dò, tìm tòi phát hiện. Những hiểu biết về các quy trình sản xuất nhân giống trai ngọc ở Việt Nam còn ít được phổ biến rộng rãi. Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ, khuyến khích cho các công trình dạng này cũng vẫn chưa được Nhà nước bổ sung sửa đổi cho phù hợp. Để nghề nuôi trai phát triển Nhà nước cần phải có chính sách về thuế đối với hoạt động nghiên cứu khoa học này nhằm không ngừng phát huy tiềm năng nguồn tài nguyên để phục vụ cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo.

. Tú Ân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiềm năng du lịch Bình Định  (01/02/2005)
Thắng cảnh đồi Ghềnh Ráng  (01/02/2005)
Bình Định: Ðặc điểm tự nhiên và cơ sở hạ tầng  (01/02/2005)
Khu công nghiệp Phú Tài  (01/02/2005)
Tiềm năng Bình Định  (01/02/2005)
Khu kinh tế Nhơn Hội  (01/02/2005)