Tỉnh Bình Định có bờ biển dài 134 km, nhiều ao, đầm, cửa biển…rất thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản phát triển. Bên cạnh đó, năng lực chế biến xuất khẩu hàng năm của ngành cũng không ngừng tăng, đây là điều kiện thuận lợi và là tiềm năng lớn để đưa ngành chế biến xuất khẩu hải sản của tỉnh phát triển.
Theo số liệu thống kê của ngành Thủy sản, hiện nay tỉnh Bình Định có đội tàu 5.816 chiếc với tổng công suất gần 230 nghìn CV, hàng năm có thể khai thác khoảng 85 ngàn tấn hải sản các loại; và 2.527 ha mặt nước nuôi tôm, 1.015 ha nuôi cá ao hồ, ruộng lúa, các loại nhuyễn thể … mỗi năm cho sản lượng từ 2.500-2.800 tấn trở lên. Những con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai, khi cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật…được đầu tư xây dựng đồng bộ, phát huy tác dụng có hiệu quả nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Ngoài ra, trong 2 năm gần đây, các DN chế biến hải sản xuất khẩu của tỉnh không ngừng đầu tư để nâng cấp nhà xưởng, đổi mới công nghệ, thiết bị. Đến nay, năng lực chế biến hải sản xuất khẩu tăng gấp đôi so với năm 2000, với tổng công suất hơn 10.000 tấn/năm (vượt 2.000 tấn so với chương trình chế biến hải sản xuất khẩu đến năm 2005 của tỉnh). Song song với việc nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ, lắp đặt thiết bị hiện đại, các công ty, xí nghiệp còn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo công nhân lành nghề…tạo tiền đề tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong tương lai.
Tuy nhiên có thể nói, bên cạnh những thế mạnh, tiềm năng, điều kiện để phát triển; ngành chế biến hải sản xuất khẩu Bình Định hiện nay còn nhiều bất cập, chưa thật sự phát huy tốt thế mạnh của mình. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nuôi trồng tuy có phát triển nhưng chưa bền vững. Đoàn tàu hoạt động khai thác hải sản có tăng công suất, song số lượng tàu công suất nhỏ với những ngành nghề truyền thống đơn điệu không đem lại hiệu quả kinh tế cao vẫn còn nhiều. Mặt khác, do sản phẩm khai thác không được bảo quản tốt nên nguyên liệu đáp ứng cho chế biến xuất khẩu vẫn còn thấp. Ông Đinh Văn Tiên, Phó giám đốc Sở Thủy sản cho biết: “Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong tỉnh không đủ cung cấp cho các nhà máy hoạt động. Trong khi đó, các DN chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh phải cạnh tranh gay gắt thu mua nguyên liệu vẫn không đủ nguyên liệu sản xuất, nên hầu như các nhà máy chỉ hoạt động 50% công suất”. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu hải sản của tỉnh hiện vẫn còn hẹp, sản phẩm hải sản đông lạnh làm ra chưa đáp ứng được những đòi hỏi chất lượng cao của các thị trường mới như châu Âu, châu Mỹ…Những hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường của các DN chưa được chú trọng, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế trong xu thế phát triển hiện nay. Theo Sở Thủy sản, đến năm 2005 giá trị xuất khẩu hàng thủy sản của Bình Định sẽ đạt 98 triệu USD. Trong khi đó, năm 2002 xuất khẩu thủy sản của tỉnh mới chỉ đạt 26 triệu USD, bằng 80,3% so với năm 2001. Điều này cho thấy, trong vài ba năm tới, kinh tế thủy sản của tỉnh phải có những giải pháp cụ thể và thực tế hơn để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra.
Để đưa ngành xuất khẩu hải sản của Bình Định phát triển, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải xác định đúng trữ lượng nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến của các nhà máy chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, chú trọng giải quyết khâu nguyên liệu; đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản, chủ yếu mở rộng, nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm sú bền vững. Hoạt động khai thác trên biển cũng phải nâng cao hiệu quả của đánh bắt với các ngành nghề cung cấp sản phẩm phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu; đồng thời chú trọng đến công nghệ bảo quản sản phẩm, hạn chế đến mức thấp nhất việc nhiễm tạp chất và dư lượng hóa chất trong sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại cũng phải thật sự được tăng cường, các DN trong ngành cần chủ động tìm kiếm thị trường, làm cho sản phẩm hải sản xuất khẩu của Bình Định nhích gần hơn với yêu cầu thị trường khu vực và thế giới.
. Phạm Ngọc Thái |