Triển khai Chỉ thị về phát triển và quản lý báo điện tử
15:40', 6/10/ 2005 (GMT+7)

Sáng nay (6-10), tại Huế đã diễn ra Hội nghị triển khai Chỉ thị 52/CT-TW (ngày 22-7-2005) của Ban Bí thư Trung ương về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay.

Ông Hồng Vinh, Ủy viên TW Đảng - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa TW, đã chủ trì hội nghị.

Tính đến tháng 9-2005, cả nước có trên 8,1 triệu người sử dụng Internet, chiếm tỉ lệ 9,84% dân số. Trong khi bình quân ở châu Á là 8,36%. Việc xuất bản báo điện tử rất tiện lợi, nhanh chóng và ít tốn kém, khắc phục được các trở ngại về thời gian, không gian, biên giới quốc gia, lãnh thổ.

Báo cáo của Ban TT-VH TW đọc tại Hội nghị cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của mạng thông tin toàn cầu (Internet) nói chung và báo điện tử nói riêng. Ngày 19-11-1997, chúng ta mới bắt đầu tham gia mạng Internet.

Vào thời điểm này, chúng ta mới chỉ có 1 doanh nghiệp cung cấp hệ thống đường trục kết nối trong nước và quốc tế (IXP) cùng 4 nhà cung cấp dịch vụ Internet thì đến nay (9-2005), cả nước đã có 16 nhà cung cấp dịch vụ ISP, 6 nhà cung cấp dịch vụ IXP, 15 nhà cung cấp dịch vụ Internet trong bưu chính viễn thông, 4 báo điện tử độc lập và hàng ngàn trang tin điện tử khác, trong đó có 73 tờ báo, trang báo điện tử được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp phép hoạt động.

Sự ra đời của báo điện tử đã làm đảo lộn nhiều khái niệm truyền thống về báo chí và xuất bản như khái niệm về tòa soạn, kỳ báo, trang báo, phương thức phát hành... Loại hình báo chí này đã mở ra khả năng những người truy cập có thể trực tiếp, tức thời tham gia bày tỏ thái độ, bình luận, cung cấp bổ sung thêm thông tin với tòa soạn qua các hình thức trao đổi tọa đàm, thảo luận trực tuyến. 

Theo thống kê của các nhà cung cấp dịch vụ, lượng truy cập bình quân hằng ngày trên các báo điện tử địa phương từ 3.000 đến 10.000 lượt; từ 50.000 đến 150.000 lượt trên các báo điện tử thuộc các báo in ở TP HCM; từ 200.000 lượt trở lên với các báo điện tử thuộc các báo, tạp chí in ở TW.

Con số cao hơn thuộc về các báo điện tử độc lập, như Website Đảng CSVN có 250.000 lượt người truy cập mỗi ngày. Mới đây, báo Tuổi trẻ điện tử (TTO) đã tiến hành thăm dò 100 người đang học tập, làm việc và định cư ở Mỹ, Pháp, Italia, Malaysia và Thái Lan. Kết quả cho thấy 2/3 số người được hỏi có thói quen đọc báo VN trên mạng hằng ngày, tính chung 9/10 người được hỏi có sở thích đọc báo trong nước.

Theo điều tra của báo VnExpress, số người vào mạng thường xuyên để đọc báo điện tử dưới 34 tuổi chiếm 27,2%, trên 54 tuổi chiếm 18,5%, nữ chiếm 47,6%.

Những kết quả trên chứng tỏ báo điện tử của nước ta đã và đang có một vị trí khá xứng đáng trong xã hội, lượng công chúng của nó có xu hướng tăng dần theo thời gian. 

Tuy nhiên hiện nay đang có tình trạng xa rời mục đích, cách đưa một số thông tin thiếu tính định hướng, thiếu sự nhạy cảm chính trị trên các báo điện tử có tần suất cao hơn các loại hình báo chí khác. Đó là việc đưa tin nhanh những thiếu chọn lọc, thiếu sự cân nhắc tính lợi hại của thông tin, sa đà trong việc khai thác báo chí nước ngoài (có báo chiếm từ 40% đến 60%), thông tin sai, trùng lắp.

Phần lớn các báo chưa chú ý đến việc nâng cao chất lượng các trang tư liệu, trang chuyên đề, các diễn đàn để thu hút bạn đọc truy cập, trao đổi thường xuyên. Vai trò của các tổ chức Đảng và đoàn thể trong các báo điện tử còn hạn chế, trình độ chính trị của cán bộ lãnh đạo, BTV, PV còn nhiều bất cập. Mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động chưa rõ ràng, thống nhất.

Vấn đề bản quyền trên báo điện tử cũng đáng báo động. Đặc biệt về vấn đề an ninh mạng, mạng Internet nói chung và báo điện tử nói riêng đang từng giờ, từng phút phải đối phó với tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng trên mạng. Ngoài virus, sâu, thư rác... báo điện tử còn phải thường xuyên đối mặt với nạn tin tặc (hacker).

Để đối phó với tình trạng này, hầu hết các nước trên thế giới đã thành lập Tổ chức cứu hộ khẩn cấp sự cố an ninh máy tính (gọi tắt là CERT). Nước ta chưa thành lập tổ chức này do vậy mấy năm gần đây, hệ thống máy tính trong nước luôn gặp sự cố và gây tác hại lớn khi bị tấn công.

Trang web của 1 số ngành nhiều lần bị tin tặc phong tỏa, vô hiệu hóa hoặc thay đổi nội dung thông tin. Có tin tặc người Việt tuyên bố có thể tiến công và làm chủ bất cứ trang web nào có tên miền với đuôi là vn. Nhiều trang web bị tin tặc ngang nhiên cướp tên miền và công khai rao bán trên mạng. 

Đứng trước thực trạng đó, ngay từ năm 1997, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để quản lý loại hình báo chí mới mẻ này. Đặc biệt ngày 22-7-2005 vừa qua, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 52-CT/TW về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay. Chỉ thị đã nêu rõ chủ trương đúng đắn của Đảng-Nhà nước về báo điện tử, xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển và quản lý cũng như trong việc định hướng tổ chức và thực hiện loại hình báo chí này.

Một trong những công việc cần làm trước mắt được nêu trong Chỉ thị này là việc các bộ, ban, ngành hữu quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng Pháp lệnh về Internet và sửa đổi Luật báo chí trình Quốc hội thông qua. Cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hạ tầng pháp lý, trong đó có luật về tội phạm mạng tin học. Sớm thành lập "Trung tâm phản ứng nhanh các sự cố máy tính Việt Nam" (VN CERT) theo thông lệ quốc tế và theo cam kết của VN trong APEC và ASEAN. 

Tại Hội nghị, một số đại diện của một số trang tin điện tử và báo điện tử trong cả nước đã có nhiều tham luận, trao đổi xung quanh các vấn đề cấp thiết nói trên.

. Theo Hà Nội mới, TPO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
WB hỗ trợ 31,7 triệu USD cho Dự án ATGT đường bộ Việt Nam  (06/10/2005)
Doanh nhân Đào Hồng Tuyển giúp nạn nhân bị bão lũ 12,3 tỉ đồng  (06/10/2005)
Doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên vào KCN cao Hòa Lạc  (05/10/2005)
Việt Nam độc quyền về công nghệ tách dầu khỏi nước  (05/10/2005)
Phát triển TP Vinh thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung Bộ  (05/10/2005)
Khen thưởng tân vô địch "Đường lên đỉnh Olympia năm 2005"  (05/10/2005)
Xuất 289 tỉ đồng và 3.070 tấn gạo cho người dân vùng bão  (04/10/2005)
Bộ Y tế đề nghị tăng viện phí từ 1-1-2006   (04/10/2005)
Hôm nay 4-10: Khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần VII   (04/10/2005)
Người Chăm ở Ninh Thuận vui đón lễ hội Katê  (03/10/2005)
Tổng sản phẩm trong nước tăng trên 8%  (03/10/2005)
Giữa tháng 11, ngăn sông Đà và khởi công Thủy điện Sơn La  (03/10/2005)
Việt Nam - nơi an toàn nhất thế giới về chính trị và an ninh  (03/10/2005)
Việt Nam sắp có tập đoàn báo chí  (02/10/2005)
Chấm dứt giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ  (02/10/2005)