Ngày 8-10, tỉnh Quảng Ngãi sẽ long trọng tổ chức lễ ra mắt thành phố Quảng Ngãi. Đây là thành phố trẻ nhất trong cả nước hiện nay, song lịch sử Việt Nam đã ghi tên thành phố này từ 190 năm trước, lúc chính quyền phong kiến nhà Nguyễn đặt dấu chấm hết cho "thành Quảng Ngãi" sau 8 năm xây dựng (1807-1815).
|
Phố mới tại khu đê bao sông Trà. |
Mới đây, nhân cuộc triển lãm ảnh do Báo Lao Động tổ chức tại Quảng Ngãi, cả Tổng Biên tập Vương Văn Việt lẫn Trưởng Văn phòng đại diện tại miền Trung - Tây Nguyên Vĩnh Quyền, đều có mặt bên bờ sông Trà. Đứng trên tầng 5 của một khách sạn ở bờ bắc nhìn về bờ nam, cả hai vị "thượng khách" của tôi đều xuýt xoa cho vẻ đẹp tráng lệ của thị xã Quảng Ngãi vào ban đêm.
Nhân thể tôi "khoe" luôn với hai anh, cũng là để chia sẻ luôn về cái sự bất ngờ của những ai lần đầu đặt chân đến Quảng Ngãi, ngay giữa ban đêm: "Trong một đêm trăng mùa thu từ hơn một thế kỷ trước, Cao Bá Quát cũng từng đi thuyền trên dòng sông này. Và ông đã để lại bài thơ "Trà Giang thu nguyệt ca" - một trong những kiệt tác bất hủ trong sự nghiệp sáng tác của ông".
Dĩ nhiên là tôi dấu nhẹm chuyện về những bài báo rất đỗi xù xì mà tôi từng viết về cái thị xã này suốt 16 năm qua kể từ ngày nó được trả lại làm vị trí trung tâm chính trị-kinh tế và văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi. Như hiểu nỗi lòng của kẻ thuộc cấp, anh Vĩnh Quyền nói thật khẽ: "Chứ hồi mô chừ, có bài nào mệ khen Huế của mệ đâu! Vì thương quá nên nhìn cái gì cũng không vừa lòng. Viết như Trần Đăng chứ viết quyết liệt hơn nữa thì cũng dễ hiểu thôi".
Khổ, "mệ" là nhà văn nên nói văn vẻ thế thôi chứ cũng vì "thương" cái thị xã này bằng những bài báo mà nhiều sếp của Báo Lao Động phải toát mồ hôi để "giải trình" khi bị kiện cáo đấy! Mà thôi, dẫu sao đó cũng là những chuyện không vui đã cũ, còn bây giờ, cái thị xã bụi mù trời một thuở của tôi đã thành thành phố rồi. Tôi đã vui niềm vui con trẻ khi mấy bữa nay, đâu đâu người ta cũng nói đến hai từ "thành phố".
Vậy là, bắt đầu từ hôm nay, tôi đã là công dân của thành phố rồi, dẫu rằng, mỗi sáng ra đường là dễ dàng bắt gặp những chuyện không mấy vui, không đáng mặt thành phố chút nào!
Một chút của hôm qua
Là dân Quảng Ngãi "chay", song tôi thật sự quáng gà khi nghe các nhà nghiên cứu lịch sử của tỉnh thống kê về những tên gọi khác nhau của thành phố này. Nào Cù Mông, nào Chính Mông rồi Chánh Mông, nào Cẩm Thành rồi Quảng Ngãi…
|
Xây dựng khu Thành Cổ-Núi Bút. (ảnh: T.Đ) |
Thôi thì đó là việc của các nhà sử học, còn tôi chỉ nhớ mỗi điều này: Thành Quảng Ngãi được bắt đầu xây dựng từ năm 1807 và hoàn thành vào năm 1815. Thành xây bằng đá ong, bình đồ vuông, cao 1 mét, chu vi 2.000 mét, bốn phía có hào rộng 20 mét. Hai mươi năm sau, 1835, trong hồi ký của một nho sinh người Đài Loan, tiến sĩ Thái Đình Lan, bị nạn trên biển được ngư dân Quảng Ngãi cứu sống, thì thành Quảng Ngãi không có gì khác so với lúc mới xây. Phải mất 170 năm sau, năm 2005 này, "thành" ấy đã nên nhà nên "phố". Nhưng trong suốt quãng thời gian gần 2 thế kỷ ấy, tại vùng đất này đã chứng kiến bao nhiêu biến cố của lịch sử. Từ Cần Vương đến Duy Tân rồi qua 2 cuộc kháng chiến, máu của các lãnh tụ yêu nước đã thấm trên mỗi tấc đất của thành phố này.
Trong các cuộc khai quật trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi của các nhà khảo cổ học, người ta đã tìm thấy trong đống đổ nát của những viên gạch Chămpa xây tháp Chánh Lộ 10 thế kỷ trước có cả những chiếc dép cao su của bộ đội giải phóng lúc tiến quân vào thành phố này năm Mậu Thân 1968.
Trong dòng chảy của lịch sử suốt mấy trăm năm, xương máu của các thế hệ luôn hòa trộn và song hành để làm nên thành phố mà mỗi sáng thức dậy, tôi như thấy hiện lên trong mắt mình một công trình xây dựng.
Và hôm nay
Lúc mới chia tỉnh (1989), ông bạn kỹ sư của tôi còn mặc quần đùi băm cám lợn, giờ cũng mặc quần đùi (cho mát) nhưng ngồi trong ôtô tập lái. Hỏi: "Già rồi còn định chuyển nghề à?". Trả lời: "Chuyển lên Truông Ổi (nghĩa địa của TP Quảng Ngãi) thì có! Vừa mới mua ôtô, đi học lái xe cho bằng chị bằng em!".
Tôi đã nhìn sự phát triển của thành phố này qua cuộc sống của ông bạn. Từ băm cám lợn đến lái ôtô (của mình) là một chặng đường 15 năm. Nếu với những ai gỡ lịch trong tù thì đó là quãng thời gian kinh hãi nhưng với một người bươn chải bình thường thì đó chỉ là chớp mắt. "Chớp mắt" đã có ôtô bằng chính đồng tiền được đổi bằng mồ hôi của mình thì xứng đáng để nhận làm công dân của thành phố lắm!
"Thành phố có trên 12 vạn dân nhưng số hộ nghèo chỉ còn trên 2%". Tôi hỏi ông thống kê con số trên: "Vậy là vẫn còn trên 2 ngàn người nghèo của thành phố?". "Vâng, nhưng đều nằm trong những gia đình neo đơn, ốm đau và gia đình chính sách, không có các trụ cột lao động". Ông nói thêm: "Nhưng đến nhiệm kỳ này (2005-2010) là xóa hết!". Tất nhiên, "xóa hết" hộ nghèo bằng những "kế sách" chứ không phải bằng kế… hoạch trên giấy.
Tôi hiểu sự quyết tâm của những người lãnh đạo thành phố này là như thế. Một vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước như Quảng Ngãi thì không thể kéo dài mãi tình trạng nhếch nhác như lâu nay được.
Còn nhớ lúc mới chia tỉnh, ông bạn nhà văn hay hóm có ví thị xã Quảng Ngãi được đúc kết trong ba chữ B: bụi, bẩn và bé. Mười sáu năm sau, thị xã đã là thành phố nhưng ba chữ B kia vẫn còn, chỉ thay phần sau của một trong ba chữ ấy: Bé thành Bự (to).
Hy vọng thành phố sẽ thay nốt hai chữ B còn lại như là sẽ thay đổi số phận của 2 ngàn người nghèo đã nói ở trên.
. Trần Đăng
|