Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, 13-10, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao đổi với báo giới xoay quanh đề tài doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước.
|
Thủ tướng Phan Văn Khải (đầu tiên, bên phải) trong chuyến làm việc tại Bình Định tháng 8-2005.
|
- Thưa Thủ tướng, Thủ tướng nhận định thế nào về đội ngũ doanh nhân nước ta hiện nay?
- Doanh nhân nước ta, đặc biệt là lớp doanh nhân trẻ và trung niên rất nhạy bén, tiếp thu nhanh phương thức kinh doanh mới. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn yếu về kiến thức kinh tế thị trường và kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp. Nhưng tôi tin rằng khoảng 5-10 năm tới, ta sẽ có nhiều doanh nghiệp thành đạt, có những công ty, những tập đoàn kinh tế mạnh.
Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, đồng thời hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế. Thách thức lớn nhất là phải mau chóng nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ với các nước xung quanh. Đây sẽ là một thời kỳ khó khăn và trong thời kỳ này, doanh nghiệp và doanh nhân là đội quân có vai trò và nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, tiếp tục là đội quân xung kích trong phát triển kinh tế.
- Thủ tướng có thể đánh giá về những thách thức của quá trình hội nhập đối với đội ngũ doanh nhân?
- Quốc gia nào càng có nhiều doanh nhân tài ba, biết tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân phát triển thì quốc gia đó càng hưng thịnh và ngược lại. Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang phát triển sôi động hiện nay, đội ngũ doanh nhân không chỉ có vai trò quan trọng tại một quốc gia mà trên phạm vi toàn cầu.
Thế giới đang phát triển, biên giới kinh tế giữa các quốc gia ngày càng mở rộng, khả năng của các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trên phạm vi toàn cầu ngày càng lớn. Những ai chỉ quanh quẩn trong sân nhà, đòi bảo hộ kéo dài, chắc chắn sẽ thất bại. Chỉ những doanh nhân, doanh nghiệp dám đối diện với các tập đoàn hùng mạnh nước ngoài, hợp tác và cạnh tranh với họ, cùng suy nghĩ và hành động với họ mới có thể trưởng thành và phát triển. Muốn vậy, doanh nhân nước ta phải tăng cường liên kết, hợp tác, phát huy thế mạnh, khắc phục thế yếu của từng doanh nghiệp.
- Thủ tướng có ý kiến gì về những rào cản trong thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh?
- Điều đáng suy nghĩ là môi trường kinh doanh của chúng ta tuy có nhiều cải tiến, song vẫn còn những mặt kém thuận lợi so với yêu cầu và tiềm năng, mà quan trọng nhất là chưa phát huy tốt sức mạnh của toàn dân tộc trong phát triển kinh tế. Có nhiều nguyên nhân yếu kém của thể chế kinh tế. Vì vậy, từ nhiều năm nay, Chính phủ đã khẳng định hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hướng vào phục vụ sự phát triển của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Cũng tức là nhằm hình thành đồng bộ các loại thị trường và hoàn chỉnh cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển thêm nhiều doanh nghiệp dân doanh, kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và phát triển đồng đều trong các vùng lãnh thổ.
Doanh nhân nước ta còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở kinh doanh, đó là thiếu vốn kinh doanh, thiếu mặt bằng sản xuất, nhưng điều đáng quan tâm là vẫn còn một số công chức, nhân viên cơ quan công quyền hạch sách, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Tình trạng này đang được khắc phục, Chính phủ đang tăng tốc hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế, xóa bỏ những rào cản hạn chế sức vươn của doanh nghiệp, doanh nhân.
- Thủ tướng nghĩ sao khi không ít doanh nhân Việt Nam từng có khát vọng trở thành những tập đoàn kinh tế mạnh, nhưng một số đã đổ bể, mà ngoài nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp thì thể chế chưa hoàn thiện cũng là một yếu tố tác động không nhỏ?
- Đúng là đa số doanh nghiệp khi bắt đầu làm ăn đều có những khát vọng chính đáng. Thực tế thời gian qua cho thấy, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, dù còn gặp không ít khó khăn song đa số đã thành công. Sự đổ bể của một số doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân, trong đó một số ít đi theo con đường làm ăn không chân chính, vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế, lậu thuế... Một số lại câu kết với những người xấu trong bộ máy Nhà nước. Theo tôi đó là thiếu tầm nhìn xa.
Nước ta đang trong quá trình xây dựng thể chế hoàn chỉnh, bộ máy còn bất cập. Chính phủ đang rất lắng nghe và luôn cố gắng tháo gỡ khó khăn, xóa bỏ rào cản, đáp ứng yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Như tôi từng nói, doanh nghiệp và doanh nhân hiểu theo nghĩa rộng, kể từ các hộ gia đình sản xuất kinh doanh hàng hóa, trang trại, hợp tác xã cho đến các loại hình doanh nghiệp, là người là ra của cải cho xã hội. Vì vậy, Chính phủ phải gắn bó, lắng nghe và phải phục vụ tốt doanh nghiệp. Đồng thời Chính phủ cũng phải giữ đúng vị trí của người quản lý, bảo đảm trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh doanh, khi cần vẫn phải "thổi còi", cảnh báo hoặc xử phạt để hướng doanh nghiệp làm ăn lành mạnh. Việc xử lý sai phạm của doanh nghiệp là nhằm mục đích làm cho cộng đồng doanh nghiệp mạnh lên, phát triển hơn.
Chúng ta sắp bước vào năm 2006, một năm có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội lần thứ X của Đảng sẽ quyết định những quyết sách trọng đại, nhằm đẩy nhanh hơn nữa đà phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng nghèo nàn, kém phát triển. Kế hoạch 5 năm 2006-2010 sẽ bước vào năm đầu tiên. Nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân do vậy càng lớn. Nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi xin thân ái chúc mừng toàn thể đội ngũ doanh nhân nước ta, hy vọng các bạn, vốn giàu lòng yêu nước, có ý chí kinh doanh, sẽ vươn lên đạt nhiều thành tích hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phồn vinh của đất nước.
. Theo Diễn đàn Doanh nghiệp |