Ngày 18-10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI sẽ khai mạc. Ngay sau lễ khai mạc, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2005 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006.
Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2005 đạt mức khá cao, 8,4%, nhưng tốc độ tăng giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp và xây dựng chưa đạt kế hoạch. Chi phí sản xuất trong một số ngành tuy đã có xu hướng giảm nhưng còn ở mức cao; sức cạnh tranh của một số sản phẩm dù có được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực.
Xuất khẩu đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn là chịu sức ép cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh của các nước trong khu vực. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất khẩu lớn đang gặp nhiều khó khăn về thị trường và khả năng cạnh tranh.
Việc triển khai thực hiện vốn đầu tư của Nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm và chưa chấp hành tốt các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý đấu thầu.
Tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong việc sử dụng các nguồn lực tài chính Nhà nước, trong sử dụng đất đai, đầu tư XDCB, sự nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân khi phải tiếp xúc với cơ quan công quyền..., là những tồn tại lớn.
Năm 2006, GDP dự kiến tăng 8% so với 2005. GDP theo giá thực tế khoảng 970.000 tỉ đồng, GDP bình quân đầu người khoảng 720 USD. Để đạt chỉ tiêu này, Chính phủ đề ra 8 nhiệm vụ lớn:
1. Tiếp tục tạo các điều kiện cần thiết để nền kinh tế đáp ứng được yêu cầu của tiến trình hội nhập, phát triển nhanh, ổn định và bền vững.
2. Tăng cường tiềm lực tài chính của đất nước; nâng tỉ lệ tích lũy trong nước, huy động 38,6% GDP cho đầu tư phát triển; cân đối ngân sách Nhà nước tích cực.
3. Kiên quyết sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước theo phương án đã được Thủ tướng phê duyệt. Tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp có quy mô lớn. Hình thành một số tập đoàn kinh tế.
4. Nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường mới, có giải pháp tích cực khắc phục tình trạng khó khăn do các nước áp đặt rào cản kỹ thuật.
5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và cải thiện các dịch vụ y tế, mức sống và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tạo chuyển biến rõ nét về phát triển GD-ĐT; phát triển hệ thống dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện có hiệu quả chiến lược tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo.
6. Đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế hành chính, nâng cao đạo đức và năng lực đội ngũ CBCC và cải cách hành chính công.
7. Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt là tình trạng tội phạm, ma túy, HIV/AIDS và tai nạn giao thông.
8. Tăng cường củng cố an ninh quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường chính trị ổn định cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, sự ổn định về chính trị, đặc biệt với việc tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội tạo ra sự thống nhất về ý chí và hành động, tập hợp sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc tiếp tục đổi mới, xây dựng đất nước. Đồng thời cũng là cơ sở tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào VN.
. Theo NLĐ |