|
Tháp Cánh Tiên - Bình Định (ảnh: ĐTĐ) |
Ngày 17-10, tại Pari, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã tổ chức hội thảo về văn hóa Chàm của Việt Nam với sự tham dự của khoảng 30 đại biểu là các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, đại diện Viện bảo tàng Ghimê của Pháp và Bảo tàng Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phrăngxixu Verơăng, Giám đốc Viện Viễn Đông bác cổ Pháp, đã giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Chàm tại Việt Nam, đồng thời nêu bật giá trị to lớn của các tác phẩm và công trình kiến trúc độc đáo của văn hóa Chàm tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Viện đã giới thiệu cuốn sách "Du khảo về văn hóa Chàm" do các tác giả Nguyễn Văn Cự và Ngô Văn Doanh biên soạn và mới được Nhà xuất bản Thế giới phát hành bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp và Anh.
Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao nét độc đáo và những giá trị to lớn của các công trình kiến trúc của văn hóa Chàm tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của công việc trùng tu và bảo tồn các công trình vốn bị chiến tranh tàn phá hoặc đang bị xuống cấp. Hiện các chuyên gia của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đang hỗ trợ các công việc trùng tu tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Trước đó, trong 2 ngày 14 và 15-10, cũng đã diễn ra cuộc hội thảo mang tên "Nghiên cứu về văn hóa Chàm: giải pháp truyền thống và các xu hướng mới" do Tổ chức những người bạn Chămpa cổ (SACHA) tổ chức tại bảo tàng Xenuýtsi ở thủ đô Pari.
Các cuộc hội thảo về văn hóa Chàm là hoạt động nằm trong khuôn khổ Triển lãm "Kho tàng nghệ thuật Việt Nam-điêu khắc Chàm" khai mạc ngày 11-10 tại bảo tàng quốc gia nghệ thuật châu Á Ghimê ở Pari.
. Theo TTXVN |