|
Quy chế mới liệu có ngăn chặn được tình trạng tranh cướp nguyên liệu mía? (ảnh: Tuổi Trẻ) |
Quy chế phối hợp trong sản xuất, tiêu thụ mía và đường nêu rõ, các nhà máy đường có trách nhiệm phối hợp với Sở NN-PTNT rà soát, lập quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cụ thể đến từng xã, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, phải có dự án xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và có trách nhiệm chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.
Để đảm bảo sự phát triển ổn định của vùng nguyên liệu, các nhà máy đường phải chủ động ký Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người trồng mía theo Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và có các chính sách, biện pháp thực hiện phù hợp.
Trong trường hợp trên một địa bàn có nhiều nhà máy đầu tư, thu mua nguyên liệu, Sở NN-PTNT tại địa phương có trách nhiệm chủ trì cùng các nhà máy rà soát, thống nhất phân chia địa bàn, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cụ thể đến từng xã cho từng nhà máy.
Quy chế quy định, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu mía tập trung thuộc địa bàn của tỉnh; quy hoạch diện tích trồng mía đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy phát huy hết công suất theo dự án được duyệt và mở rộng theo quy hoạch phát triển của ngành mía đường; có chính sách hỗ trợ nhà máy và nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu theo đúng quy hoạch.
Trước khi vào vụ sản xuất, các nhà máy đường phải báo cáo lịch vào vụ, kế hoạch sản xuất (sản lượng mía ép, sản lượng đường sản xuất trong vụ) với Bộ NN-PTNT để làm cơ sở cân đối cung cầu, chỉ đạo sản xuất.
Hiệp hội có trách nhiệm tổ chức họp các nhà máy đường ở từng vùng, căn cứ theo tình hình cụ thể, bàn thống nhất thời gian vào sản xuất của từng nhà máy để có hiệu quả nhất. Để đảm bảo hiệu quả chung, các nhà máy chỉ được vào sản xuất khi mía đã chín, bình quân của mía đạt từ 8 trữ đường trở lên. Trường hợp xử lý hậu quả do thiên tai, phải được UBND tỉnh cho phép và có báo cáo gửi Bộ NN-PTNT.
Tùy theo biến động của thị trường đường, Hiệp hội tổ chức họp định kỳ hoặc đột xuất các nhà máy đường, thống nhất kế hoạch tiêu thụ đường, giá trần, giá sàn bán đường để giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà máy và người tiêu dùng.
Bộ NN-PTNT giao Hiệp hội Mía đường làm đầu mối tổ chức việc phối hợp các nhà máy đường trong sản xuất, tiêu thụ mía và đường; có trách nhiệm tổ chức họp ra nghị quyết chung về các biện pháp phối hợp, kiến nghị và triển khai các biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm Nghị quyết của Hiệp hội và Quy chế.
Khi đã có nghị quyết chung, Hiệp hội có trách nhiệm báo cáo với các Bộ, Ngành và địa phương liên quan để phối hợp chỉ đạo, giám sát, kiểm tra.
. Theo VietNamNet