Việc phát triển kinh tế cho vùng Tây Nguyên, đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc; tình trạng lãng phí, tham nhũng ở một bộ phận cán bộ vẫn còn nhiều; nền Đông y, Đông dược của nước nhà còn chưa được quan tâm đúng mức; phát triển kinh tế phải luôn gắn với việc bảo vệ công trình mới xây dựng... là những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra đầu giờ thảo luận sáng nay, 21-10, tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội) về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2005 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2006.
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu HLuộc NTơr (đoàn Đăk Lăk) cho rằng theo Quyết định 168 phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên đã có những thành công bước đầu, tuy nhiên để có hiệu quả vững chắc, bà yêu cầu Chính phủ cần tăng cường nguồn vốn đầu tư, chỉ đạo các ngành hữu quan rà soát chặt chẽ lại quỹ đất, đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc... Bên cạnh đó, cần đầu tư hơn nữa cho hệ thống giáo dục ở đây, thu hút đội ngũ giáo viên miền xuôi lên vùng cao, miễn học phí cho học sinh vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu Huỳnh Thị Hường (đoàn Quảng Nam) tỏ ý nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về các thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua, nhất là ở vùng nông thôn. Về một số tồn tại, bà cho rằng việc hội nhập kinh tế còn chậm, môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhưng chưa thu hút được nhiều thành phần kinh tế. Tình trạng lãng phí, tham nhũng trong sử dụng đất đai, thì giờ, tiền của trong một bộ phận cán bộ vẫn còn nhiều. Tệ nạn xã hội trong một bộ phận thanh, thiếu niên có xu hướng phát triển...
Để giải quyết các tồn tại này, bà cho rằng cần đẩy mạnh việc chống tham nhũng hơn nữa, bên cạnh việc cần mở rộng cơ chế để thu hút đầu tư, hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch kinh tế...
Trong khi đó, đại biểu Vũ Ngọc Cừ (đoàn Lào Cai) lại tỏ ra không đồng tình với việc nhiều công trình xây dựng thời gian qua đã quá chạy theo thành tích nên chất lượng công trình không đảm bảo. Về một số chương trình, mục tiêu cấp quốc gia, theo ông cần có sự kiểm tra rút kinh nghiệm nghiêm túc từ phía Chính phủ để có thể tiếp tục các công trình này hay không trong năm 2006.
Ngoài các vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Xuân Hướng (đoàn Hà Tĩnh) lại tập trung thảo luận vào việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thời gian qua, trong đó nổi lên việc phát triển nền Đông y, Đông dược của nước nhà. Nhân dân nhiều địa phương tỏ ra bức xúc khi việc trồng cây thuốc chữa bệnh chưa được quan tâm đúng mức (không có giống cây trồng), các loại dược liệu không được bảo tồn đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt... Đội ngũ các nhà quản lý y tế ở địa phương thậm chí còn không biết đến một số chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ về phát triển nền Đông y, Đông dược để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân (!). Kinh phí hiện đầu tư cho lĩnh vực này chỉ chiếm 2% tổng kinh phí của toàn ngành y tế là quá thấp.
Đại biểu Lê Huy Ngọ (đoàn Đăk Lăk) cũng chú trọng nhiều đến vấn đề an ninh lương thực. Ông cho rằng, khi đất nước ta còn phải đối đầu với thiên tai liên tục thời gian qua, thì việc phát triển kinh tế bền vững cần chú ý đến yếu tố này. Nói cho cụ thể tức là phải làm sao để đối phó được với thiên tai một cách có hiệu quả. Điều này chúng ta đã từng bước làm được, như việc đối phó có hiệu quả với các cơn bão số 6, số 7 vừa qua.
Ông đề nghị ở tất cả các chương trình phát triển về kinh tế, đặc biệt là ở các vùng ven biển, chúng ta ngoài việc xây dựng còn phải đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ các công trình này. Điều này đã được thể hiện rõ ở công trình như xây dựng đường Hồ Chí Minh (qua dãy Trường Sơn).
Chiều nay, QH tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2005, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006 và phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2006.
. Theo Hà Nội mới |