Luật nhà ở - một dự luật thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước và đặc biệt là kiều bào Việt Nam ở nước ngoài - hôm nay đã được Quốc hội xem xét thảo luận lần cuối cùng để thông qua vào cuối kỳ họp này.
Sau nhiều ngày được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại các đoàn đại biểu Quốc hội, dự luật đã được chỉnh lý bổ sung theo hướng công khai, minh bạch trong chính sách phát triển nhà ở, tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch về nhà ở, đảm bảo quy hoạch nhà ở phù hợp với quy hoạch kiến trúc tổng thể, hài hòa.
|
Đại biểu phát biểu thảo luận (ảnh:VietNamNet) |
Phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp sáng nay tiếp tục thu nhận khá nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội xung quanh việc nên quy định thống nhất một loại giấy chứng nhận quyền sở hữu cho cả nhà ở và đất ở, khắc phục tối đa những thủ tục hành chính rườm rà trong các giao dịch nhà ở. Đồng thời cần có quy hoạch tổng thể giữa phát triển các khu đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung với phát triển nhà ở để giảm thiểu kinh phí, thời gian và những tác động tiêu cực khác trong quá trình đền bù giải tỏa mặt bằng.
Riêng vấn đề nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân, tổ chức nước ngoài, dự luật đã dành một chương riêng với 9 điều quy định về quyền sở hữu, quyền được thuê, cho thuê nhà đối với các chủ thể này.
Dự thảo lần này bổ sung quy định đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép về Việt Nam có thời gian từ 6 tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ thay vì chỉ có các đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục xem xét các quy định về nhà ở đối với các đối tượng trên theo hướng thông thoáng hơn, tiến tới gỡ bỏ quy định điều kiện về thời gian ở Việt Nam nhằm tăng cường khuyến khích, tạo thuận lợi hơn nữa cho kiều bào đầu tư về nước.
. Theo TTXVN |