Sáng nay 1-11, Quốc hội (QH) họp tại hội trường nghe báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và biểu quyết thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006. Nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công nghệ thông tin (CNTT); dự án Luật doanh nghiệp...
Về cơ bản, Luật khiếu nại, tố cáo đã đáp ứng một phần các yêu cầu của WTO về giải quyết khiếu kiện hành chính. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết khiếu nại còn một số điểm chưa phù hợp, nhất là việc quy định người khiếu nại nếu lựa chọn khiếu nại lên cơ quan hành chính cấp trên thì không được khởi kiện tại Tòa án.
Để khắc phục các hạn chế, vướng mắc đặt ra trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phù hợp hơn nữa với yêu cầu về khiếu kiện và giải quyết khiếu kiện hành chính của WTO cần phải sửa đổi, bổ sung những vấn đề sau đây: Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung cơ chế giải quyết khiếu nại nhằm tạo điều kiện cho người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hành chính; Thứ hai, bổ sung các quy định cho phép Luật sư tư vấn, giúp đỡ người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại và bổ sung quyền của người khiếu nại, người bị khiếu nại; Thứ ba, bổ sung các quy định liên quan đến quyết định giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết khiếu nại. Từ những yêu cầu trên đây, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo là cần thiết.
Tiếp theo, QH đã nghe báo cáo giải trình, thẩm tra và biểu quyết thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006 với 78,34% số đại biểu có mặt tán thành.
QH cũng nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật CNTT. Đến nay, trên 50% các Bộ, Ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và 80% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang tin điện tử (website), cung cấp thông tin về chính sách, thủ tục hành chính, 100% các trường đại học, cao đẳng và hầu hết các trường phổ thông trung học đã được kết nối Intemet.
Tuy nhiên, sự phát triển CNTT của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, chưa tự khẳng định được vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn và động lực thúc đẩy nền kinh tế của ta hướng đến kinh tế tri thức. Việc ban hành Luật CNTT là rất cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý cơ bản điều chỉnh ứng dụng CNTT và phát triển công nghiệp CNTT, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước phát triển kinh tế tri thức, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Mặt khác, việc ban hành Luật CNTT nhằm tạo sự đồng bộ với các quy định trong các đạo luật có liên quan đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế với ASEAN, APEC, WTO...
Về dự án Luật doanh nghiệp, báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế và ngân sách QH cho thấy: dự án Luật trình QH xem xét kỳ này đã có bước hoàn thiện rất căn bản, sửa đổi 112 điều (trong đó sửa đổi cơ bản 25 điều), bổ sung mới 10 điều, bỏ 3 điều. Đối với doanh nghiệp Nhà nước sẽ có lộ trình chuyển đổi cơ chế quản lý trong thời gian thích hợp, đặc biệt trong việc quản lý vốn nhà nước sẽ có nghị quyết riêng của QH hoặc UBTVQH trên cơ sở phương án tổng thể do Chính phủ trình.
So với pháp luật hiện hành, nội dung dự án Luật lần này đã có nhiều đổi mới: Luật sẽ điều chỉnh và áp dụng thống nhất cho các loại hình DN không phân biệt thành phần kinh tế; Xác định cụ thể thời hạn (chậm nhất 4 năm) kết thúc quá trình chuyển đổi Cty nhà nước thành Cty TNHH hoặc Cty cổ phần; Cho phép một cá nhân được quyền thành lập Cty TNHH, thay vì ít nhất phải có hai người như hiện nay; Bãi bỏ khống chế mức sở hữu đối với đầu tư nước ngoài trong các DN ở nước ta, trừ các ngành nghề hạn chế kinh doanh; Các nhà đầu tư nước ngoài được quyền tự chủ lựa chọn loại hình DN để kinh doanh, không bị bắt buộc phải sử dụng duy nhất hình thức Cty TNHH như hiện nay...
. Theo Hà Nội mới |