Hai dư chấn ngày hôm qua (8-11) có cường độ không đủ lớn, từ 6 độ Richter trở lên, để có thể gây ra sóng thần ở vùng biển phía Nam nơi có cấu trúc địa tầng tương đối ổn định, đáy biển không có hiện tượng trồi sụt đủ lớn...
|
Nhân viên làm việc ở tòa nhà MeLinh Point trở về văn phòng sau cơn địa chấn. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Theo thông báo nhanh từ Viện Vật lý Địa cầu, hai trận động đất mức độ nhẹ ở ngoài khơi vùng biển Hàm Tân-Bình Thuận và vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu (cách TP.HCM khoảng 120km) gây ra hiện tượng đất rung trên diện rộng ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, trong đó có TP.HCM.
Trận động đất này xảy ra tại đúng vùng dự báo, vùng giao nhau của các đới đứt gãy Nam Côn Sơn, Thuận Hải - Minh Hải - Cà Mau và đứt gãy kinh tuyến 110 ngoài khơi Biển Đông.
Đây là hệ đứt gãy không có khả năng gây động đất mạnh, cấp tối đa là 5-5,5 độ Richter và chấn động bề mặt cao nhất chỉ ở mức trung bình, tức cấp 7/12.
"Căn cứ vào những trận động đất trong lịch sử phía Nam, căn cứ bản đồ phân vùng động đất Việt Nam và thế giới, khó có thể xảy ra động đất trên cấp 5 tại các đới đứt gãy phía Nam" - GS Lê Minh Triết, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Liên ngành, Viện KH&CN Việt Nam, nói.
Khả năng gây động đất của hệ đứt gãy này yếu hơn nhiều so với một số hệ đứt gãy phía Bắc như Sông Mã, Sơn La, Pu Mây Tun - Sốp Cộp, Lai Châu - Điện Biên.
Như vậy, cường độ của các trận động đất này không đủ lớn, từ 6 độ Richter trở lên, để có thể gây ra sóng thần ở vùng biển phía Nam nơi có cấu trúc địa tầng tương đối ổn định, đáy biển không có hiện tượng trồi sụt đủ lớn.
Trưởng Phòng Quan sát động đất I (Viện Vật lý Địa cầu), ông Lê Tự Sơn, nhận định: "Loại động đất này không đáng lo do năng lượng đã lan tỏa dần. Khó có thể xảy ra tác động mạnh so với những trận động đất "nằm im" rồi bất chợt bùng phát như ở Pakistan vừa qua".
Tóm lại, dư chấn tuy được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay trong khu vực song cũng không đủ để gây thiệt hại về người và của.
. Theo Tiền Phong |