Ngày 19-11, ngày làm việc thứ 27, tại Hội trường Ba Ðình, các đại biểu Quốc hội xem xét, thông qua các dự án: Luật sở hữu trí tuệ, Luật giao dịch điện tử, Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); các nghị quyết: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006, Chương trình hoạt động giám sát năm 2006.
Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH Hồ Ðức Việt đọc Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ.
Báo cáo giải trình nêu rõ các điều của dự luật được tiếp thu, chỉnh lý, trong đó có Ðiều 25 quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao; Ðiều 26 quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao; Ðiều 190 quy định về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng mới...
Với đa số phiếu tán thành, QH đã lần lượt thông qua chín điều còn ý kiến khác nhau (sau thảo luận đã được tiếp thu, chỉnh lý) là các điều: 11, 25, 26, 32, 33, 121, 133, 190 và 196. Với 368 phiếu tán thành, chiếm tỉ lệ 74,49% so với tổng số đại biểu QH, QH đã thông qua toàn văn Luật Sở hữu trí tuệ.
QH tiếp tục nghe ông Hồ Ðức Việt đọc Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử. Báo cáo giải trình nêu rõ sự tiếp thu, chỉnh lý ở Ðiều 27 quy định về thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài; Ðiều 40 quy định nguyên tắc tiến hành giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước. Với 357 phiếu tán thành, chiếm tỉ lệ 72, 27% so với tổng số đại biểu QH, QH đã thông qua toàn văn Luật Giao dịch điện tử.
Buổi chiều, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của QH Hồ Ðức Việt trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Báo cáo đã giải trình, tiếp thu ở điều 4, nguyên tắc bảo vệ môi trường; điều 5, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường; điều 13, ban hành và công bố áp dụng tiêu chuẩn môi trường quốc gia; điều 23, trách nhiệm thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; điều 49, quy định về xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm ô nhiễm môi trường; điều 52, bảo vệ môi trường nơi công cộng; điều 61, quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với bảo vệ môi trường và điều 105, thực hiện dân chủ cơ sở về bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, QH biểu quyết thông qua các điều: 4, 5, 13, 23, 49, 52, 61, 105, còn ý kiến khác nhau, với đa số đại biểu tán thành, và biểu quyết thông qua toàn văn Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), với 359/ 361 đại biểu có mặt tán thành, chiếm tỉ lệ 72,67% so với tổng số đại biểu QH. Luật Bảo vệ môi trường có 15 chương, 136 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2006.
Tiếp theo, QH tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2006, với 355 đại biểu tán thành, chiếm tỉ lệ 71,86% so với tổng số đại biểu QH.
Theo đó, trong năm 2006, tại các kỳ họp QH thảo luận và thông qua 25 luật, một số nghị quyết; cho ý kiến vào 25 dự án Luật. Ủy ban Thường vụ QH thảo luận và thông qua 11 pháp lệnh. Ðồng thời chuẩn bị 11 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh.
Về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2006, QH đã biểu quyết thông qua với 356 đại biểu tán thành, chiếm tỉ lệ 72,06% so với tổng số đại biểu QH. Theo đó, cùng với việc xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, chất vấn và trả lời chất vấn, trong năm 2006, QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Ðất đai; việc triển khai thực hiện Nghị quyết của QH về Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng; việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp quận, huyện thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Dân sự; việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; việc chấp hành pháp luật trong thi hành án hình sự; về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề; tình hình thực hiện pháp luật về dân số...
. Theo Nhân Dân |