Trước tình hình giá cả, viện phí, học phí và nhiều khoản đóng góp khác tăng, người nghèo là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri nhận định.
Báo cáo này được Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày trước Quốc hội hôm nay (24-11).
* Xử lý tiêu cực đất đai: Còn nhiều bất bình
''Cử tri kiến nghị Chính phủ phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất, tránh tình trạng ''đánh trống bỏ dùi'' làm mất lòng tin của nhân dân''.
Cử tri nhiều địa phương vẫn tiếp tục phản ánh tình trạng một số cán bộ lợi dụng chức quyền, xà xẻo đất công hoặc lợi dụng việc thu hồi đất của dân trong quá trình lập dự án để vụ lợi, chia chác cho nhau.
"Cử tri bất bình trước tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng chức quyền nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân; tiếp tay, bao che cho tội phạm với thủ đoạn ngày càng tinh vi", báo cáo cho biết.
* Người dân lo gánh nặng giá cả
|
Giá cả liên tục tăng nhanh, chỉ số giá tiêu dùng không kiềm chế dưới mức 6,5%. |
Tình hình giá cả liên tục tăng nhanh, chỉ số giá tiêu dùng không kiềm chế dưới mức 6,5% như Quốc hội đề ra làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Một số ngành đang có đề án trình Chính phủ tăng giá như điện, than, vật liệu xây dựng, viện phí, học phí... Trong khi đó, giá sản phẩm làm ra của nông dân, ngư dân, diêm dân không tăng hoặc tăng không đáng kể.
Nếu giá cả, viện phí, học phí và nhiều khoản đóng góp khác tăng thì nhân dân, nhất là người nghèo phải gánh chịu.
Tình trạng trên nếu không được cải thiện thì con em nông dân sẽ phải bỏ học ngày càng nhiều, người có thu nhập thấp mắc bệnh, nhất là bệnh hiểm nghèo không có điều kiện chữa trị ngày càng đông; sự phân hóa giàu nghèo, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, miền núi ngày càng xa hơn.
Báo cáo của UB Trung ương MTTQ VN có đoạn khẩn thiết đề xuất: "Đông đảo cử tri rất bức xúc và kiến nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo bình ổn giá, kiểm soát chặt chẽ việc tăng giá, tăng phí, nhất là trong dịp những tháng cuối năm và Tết Bính Tuất".
* Vẫn những bức xúc về lãng phí
Trong đầu tư xây dựng cơ bản, cử tri vẫn bức xúc trước tình trạng quy hoạch nhiều nơi không sát thực tế, quản lý quy hoạch kém dẫn đến đầu tư dàn trải, nhiều dự án, công trình không phát huy hiệu quả gây lãng phí, tốn kém hàng trăm ha đất và hàng trăm tỉ đồng. Việc đền bù giải phóng mặt bằng một số nơi không thỏa đáng.
Tình trạng thông đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu để nâng khống giá trị công trình, tìm cách ''rút ruột'' công trình, thay đổi thiết kế, đánh tráo nguyên vật liệu... lấy tiền chia nhau liên tục xảy ra ở nhiều nơi, hết vụ này đến vụ khác.
Thông qua báo chí, đông đảo cử tri bày tỏ sự không đồng tình trước tình trạng phô trương, hình thức trong hoạt động khai trương, động thổ xây dựng và khánh thành công trình của Nhà nước. Việc tổ chức lễ hội, đón nhận danh hiệu thi đua, sử dụng tài sản công... của một số ngành, địa phương gây lãng phí tiền của của nhân dân.
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ phải có nhiều giải pháp để triển khai Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến nơi đến chốn. Thực hiện chống tham nhũng, lãng phí một cách kiên quyết, triệt để từ Trung ương đến cơ sở, Trung ương phải gương mẫu để địa phương và cơ sở noi theo. Xử lý nghiêm và thông báo công khai mọi trường hợp tham nhũng, lãng phí dù đó là cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào để đem lại niềm tin trong nhân dân.
. Theo VietNamNet
|