Doanh nghiệp tư nhân Duy Lợi tại TPHCM - một trong những doanh nghiệp nổi tiếng với sản phẩm võng xếp. Vào năm 2003, doanh nghiệp này đã từng thắng kiện trong vụ xâm phạm bằng sáng chế võng xếp tại Nhật Bản.
Tuy nhiên đến năm 2004, doanh nghiệp này lại tiếp tục phải đâm đơn kiện một doanh nhân Đài Loan xâm phạm bằng sở hữu công nghiệp tại Mỹ cho sản phẩm này. Một lần nữa, võng xếp Duy Lợi lại thắng kiện, bảo vệ thành công sản phẩm độc quyền của mình.
Ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Duy Lợi đã kể lại quá trình khởi kiện ra tòa dân sự Mỹ về vụ xâm phạm bằng sáng chế kiểu dáng khung mắc võng của mình.
Kiểu dáng công nghiệp khung mắc võng của ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền và có hiệu lực từ ngày 23-3-2000. Trong khi đó, vào ngày 15-8-2001, một doanh nhân người Đài Loan cũng đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ cho khung mắc võng có kiểu dáng tương tự.
Điều đáng nói ở đây là hai kiểu dáng này hoàn toàn giống nhau và như vậy, Duy Lợi phải làm thế nào để chứng minh được kiểu dáng của mình đã bị đánh cắp.
Những bức ảnh phân tích chi tiết thiết kế võng Duy Lợi Việt Nam đã giúp vụ kiện kết thúc thắng lợi sau 17 tháng. Ngày 19-9-2005, cơ quan sáng chế và thương hiệu Mỹ đã có thông báo chính thức về việc hủy văn bằng sáng chế do cơ quan này cấp cho ông Chung Sen Wu, doanh nhân Đài Loan.
Luật gia Nguyễn Thành Long, Văn Phòng luật sư Phạm và Liên danh cho biết: "Nếu mình có một đối tượng hay 1 sáng chế nào đó, bất cứ người nào cũng có thể đánh cắp và đăng ký, mình phải quan tâm tới việc đăng ký độc quyền sản phẩm đó thật nhanh, như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho DN".
Ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Duy Lợi nói: "Qua 2 vụ kiện tại Mỹ và Nhật Bản tôi cũng rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm và thấy tự tin hơn trong việc sáng tạo sản phẩm của mình. Hiện nay chúng tôi đã có 7 kiểu dáng, 3 kiểu dáng đã được đăng ký và sản xuất và 4 kiểu dáng còn lại chúng tôi đang chờ đăng ký".
Bài học lớn nhất rút ra từ vụ kiện này, ông Lợi cho rằng, đó chính là việc đăng ký bảo hộ ngay cho sản phẩm mới của mình. Đây sẽ là điều kiện đảm bảo sự thành công cho các doanh nghiệp khi có xảy ra những vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế.
. Theo VTV
|