Báo cáo kết quả điều tra tham nhũng ở Việt Nam:
10 cơ quan tham nhũng phổ biến nhất
14:26', 30/11/ 2005 (GMT+7)

Lần đầu tiên, Ban Nội chính Trung ương Đảng công bố danh sách liệt kê 10 cơ quan tham nhũng phổ biến nhất Việt Nam. Trong đó ba cơ quan dẫn đầu là: Địa chính nhà đất, Hải quan/quản lý xuất nhập khẩu và Cảnh sát giao thông. Các hành vi tham nhũng cũng được "chỉ mặt đặt tên".

 

Người dân đang chỉ những lô đất trị giá tiền tỉ được các quan chức chia nhau ở TX Đồ Sơn. Ảnh: TPO

 

Cuộc điều tra này được Ban Nội chính Trung ương và Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển thực hiện từ tháng 3-2005 ở 7 tỉnh, thành phố là: Sơn La, Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và 3 bộ: Công nghiệp, Xây dựng và Giao thông - Vận tải.

"Top 10" cơ quan tham nhũng được "bầu chọn" dựa trên đánh giá của các nhóm xã hội về mức độ tham nhũng ở 21 đơn vị công quyền và dịch vụ công. Theo báo cáo đánh giá, có tất cả 4 nhóm hành vi tham nhũng.

Nhóm thứ nhất là nhóm trực tiếp nhận hối lộ và sử dụng phương tiện của cơ quan phục vụ nhu cầu cá nhân, gia đình. Đây được coi là hành vi tham nhũng phổ biến nhất hiện nay. 

Nhóm hành vi thứ hai là mang lại lợi ích cho người thứ hai, tất nhiên là không chính đáng để nhận được lợi ích trong tương lai. Nhóm này khá phổ biến, có 20-30% số cán bộ công chức (CBCC) được hỏi cho biết đã gặp hành vi này trong năm qua.

Nhóm hành vi thứ ba được ngụy trang bằng các hoạt động rất hợp pháp như hợp đồng mua bán sòng phẳng, nhưng đã được nâng hoặc hạ giá để trích phần trăm hưởng lợi bất hợp pháp. 15-20% số CBCC được hỏi cho biết đã chứng kiến các hành vi này trong năm.

Nhóm cuối cùng, tuy tần suất xuất hiện không nhiều, từ 10-15% số CBCC được hỏi đã chứng kiến trong năm, nhưng đây là hành vi trắng trợn, liều lĩnh: Giả mạo giấy tờ, ra chính sách một cách có chủ định tư lợi. Nhìn chung, số CBCC được hỏi cho biết hành vi tham nhũng phổ biến nhất là "sử dụng phương tiện của cơ quan để phục vụ nhu cầu riêng". 

Có đến 40% số CBCC được hỏi cho biết đã chứng kiến hành vi "người có chức vụ, quyền hạn cố tình gây khó khăn khi giải quyết công việc để buộc người cần giải quyết phải chi tiền hoặc biếu quà".

Theo báo cáo, tham nhũng hiện nay vừa tinh vi, vừa trắng trợn. Người tham nhũng thường có chức vụ quyền hạn, trình độ cao, am hiểu pháp luật nên hành vi tham nhũng của họ thường được che chắn rất kín đáo, khó bị phát hiện.

Họ có nhiều cách để tham nhũng. Chẳng hạn, gọi điện, viết thư tay can thiệp nhằm mưu lợi cho người thân quen khá phổ biến. Có khoảng 30% số người được hỏi đã chứng kiến hành vi này. Nhưng hành vi tinh vi nhất chính là các thỏa thuận ngầm dưới các hợp đồng hợp pháp. Đó là các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng thật 100%, nhưng đằng sau là các thỏa thuận ngầm mà cơ quan bảo vệ pháp luật rất khó kiểm tra và phát hiện. Trong đó, hình thức tăng thỏa thuận hợp đồng để nhận tiền trích phần trăm từ bên B, được 35,7% số CBCC Bộ GTVT, 30,7% số CBCC tỉnh Sơn La chứng kiến. Nếu tính chung ở 7 tỉnh và 3 bộ thì tỉ lệ này là 20,9%.

Về mức độ tham nhũng, ngày nay ai cũng biết có tảng băng tham nhũng, nhưng không ai nhìn thấy tảng băng đó to lớn như thế nào. Chính vì vậy trong những năm qua, tỉnh nào, bộ nào cũng có đơn thư tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, số người bị tố cáo tham nhũng ít hơn rất nhiều so với số hành vi tham nhũng mà CBCC đã chứng kiến. Tính chung, có tới 56,5% số CBCC đánh giá cấp trên trực tiếp của mình có tham nhũng, chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi. Trong đó, chỉ có 21,6% tin tưởng cấp trên của họ không tham nhũng.

. Theo Lao Động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngày 6-12: Khai mạc Đại hội Đảng bộ TP.HCM  (30/11/2005)
Các nạn nhân dioxin phải được đối xử theo đạo lý  (30/11/2005)
Lễ cưới: khuyến khích báo hỉ, tổ chức tiệc trà  (29/11/2005)
Võng xếp Duy Lợi thắng kiện ở Mỹ  (29/11/2005)
Tỉ lệ đại biểu Quốc hội nữ tại Việt Nam cao nhất châu Á - Thái Bình Dương  (29/11/2005)
Khởi công nhà máy nhiệt điện có vốn đầu tư hơn 9.670 tỉ đồng  (29/11/2005)
Sông Hồng đang dần trơ đáy  (29/11/2005)
Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Chính thức nhập cuộc  (28/11/2005)
Iraq là địa điểm đầu tư lớn nhất của DN Việt Nam  (28/11/2005)
22 địa phương thu ngân sách đạt hơn 1.000 tỉ đồng  (28/11/2005)
Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng  (28/11/2005)
Một em bé 8 tuổi đã đậu văn bằng ECCE  (28/11/2005)
Kỷ niệm 240 năm Ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2005)  (28/11/2005)
Hôm nay, khởi công nhà máy lọc dầu Dung Quất  (28/11/2005)
Khởi công thủy điện An Khê và Kanak   (27/11/2005)