Việc một nhà khoa học Mỹ vừa đưa ra dự báo nguy cơ trận sóng thần mới ở châu Á khủng khiếp hơn trận 26-12-2004 làm dấy lên sự cần thiết xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần ở Việt Nam vốn đang gây tranh cãi. Đáng chú ý là các nghiên cứu mới nhất lại cho thấy nguy cơ sóng thần đối với các vùng bờ biển Việt Nam sẽ rất cao…
Dự báo của nhà khoa học Mỹ sau khi nghiên cứu biến động của các hòn đảo ngoài khơi quần đảo Sumatra (Indonesia) đã gây sốc cho hàng triệu người.
Theo ông, có dấu hiệu rõ ràng về khả năng xuất hiện các trận động đất lớn ở khu vực này và hệ quả là một trận sóng thần trong vài thập kỷ tới. Thảm họa này được dự báo mạnh hơn cả trận sóng thần tàn phá các nước châu Á cuối năm ngoái. Ông lo ngại khu vực mà nhiều nhà khoa học gọi là "miếng vá quần đảo Mentawai". Cứ khoảng hai thế kỷ, khu vực này lại chứng kiến nhiều trận động đất khủng khiếp và chúng ta đang ở gần cuối của chu kỳ đó.
Theo TS Ngô Thị Lư, Viện Vật lý Địa cầu, chỉ riêng những gì đã xảy ra, thiệt hại và hậu quả vô cùng thảm khốc do trận động đất kèm sóng thần Andaman - Sumatra ngày 26-12-2004 gây ra, cũng buộc chúng ta phải trả lời nghiêm túc các câu hỏi đại loại liệu có khả năng xảy ra sóng thần đối với vùng bờ biển Việt Nam không, chúng ta phải làm gì để có thể giảm thiểu nguy cơ này (nếu có)…
Tại Việt Nam, các công trình nghiên cứu về chế độ động đất ở biển Đông và các điều kiện hình thành sóng thần, các khả năng dự báo nhằm giảm nhẹ những thiệt hại do chúng có thể gây ra đã bắt đầu xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Theo rất nhiều tài liệu nghiên cứu của các nhà địa chấn và các nhà hải dương học trong nước và quốc tế, sóng thần ít xảy ra và không quá nguy hiểm ở vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, tại phía tây Philippines (tức rìa phía đông biển Đông), từng xảy ra động đất mạnh với đầy đủ các điều kiện để gây ra sóng thần như năng lượng đủ lớn (M>8), độ sâu chấn siêu nhỏ (h<30 km) và có cơ chế trượt thuận. Đồng thời tại đây thực tế cũng đã xảy ra sóng thần.
Mặt khác, các số liệu GPS đo dịch chuyển tuyệt đối ở Việt Nam và Thái Lan cho thấy, dịch chuyển của Đông Dương về phía đông có vận tốc 3+/- 0,2 cm/năm. Chuyển dịch của Philippines về phía tây không dưới 8 cm/năm. Như vậy, tốc độ dịch chuyển tương đối giữa hai mảng không dưới 10 cm/năm.
Tốc độ này lớn hơn so với tốc độ của mảng Ấn Độ hút chìm mảng Burma. Vì thế, nếu động đất có khả năng gây ra sóng thần xảy ra tại ranh giới giữa mảng Philippines và mảng châu Á, nguy cơ sóng thần đối với vùng bờ biển Việt Nam rất cao.
Do đó, việc tiến hành xem xét và nghiên cứu động đất có khả năng gây sóng thần ảnh hưởng đến vùng bờ biển Việt Nam và tìm các giải pháp xây dựng hệ thống và cơ chế cảnh báo sớm động đất và sóng thần nhằm giả thiểu nguy cơ thiệt hại gây nên là vô cùng cần thiết đối với Việt Nam và các vùng lân cận.
. Theo TPO
|