* Đường sắt xuyên Việt bị phong tỏa do nước lũ
Sáng 14-12, bộ phận không khí lạnh đã tăng cường xuống miền Bắc gây mưa nhỏ, mưa phùn và làm nhiệt độ giảm khoảng 2-3 độ C. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, cao điểm của đợt rét này sẽ xuất hiện vào hôm nay 15-12.
|
Ngập lụt do mưa lũ trong mấy ngày qua ở miền Trung. |
Trong khi đó, ở ven biển Trung Bộ vẫn tiếp tục mưa to, lượng mưa đo được tính đến ngày 14-12 phổ biến từ 100-250 mm, một số nơi trên 300 mm như: Cẩm Lệ (Đà Nẵng): 337 mm, Sơn Giang (Quảng Ngãi): 316 mm, Minh Long (Quảng Ngãi): 410 mm.
Do mưa lớn, lũ trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng lên mức 11,42 m, trên mức báo động (BĐ) III là 0,16m, sông Dinh tại Ninh Hòa lên mức 4,96m, xấp xỉ BĐ III. Các sông khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên lên trên BĐ II và còn tiếp tục lên nhanh. Lũ quét và sạt lở đất đá rất có thể xảy ra ở vùng núi cao, vùng đất dốc.
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, đã giữa tháng 12 mà miền Trung vẫn còn xảy ra mưa lũ lớn là điều bất thường. Mưa lũ đã gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Từ ngày 12 đến 14-12, miền Trung đã có 12 người bị chết vì mưa lũ, trong đó Khánh Hòa là địa phương có nhiều người thiệt mạng nhất - 8 người, Quảng Nam 1 người và Phú Yên 3 người.
Còn Nam Bộ đã bước sang mùa khô được một tháng nhưng nhiều trận mưa vẫn trút xuống nhiều nơi, từ miền Đông, TP.HCM đến ven biển miền Tây. Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ cho biết, đây là năm mùa mưa kéo dài nhất ở Nam Bộ trong nhiều năm gần đây.
* Vào lúc 14 giờ 10 phút chiều 14-12, tại địa bàn xã Cam Phước Đông, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đường sắt xuyên Việt (đoạn từ Km 1364+700 đến Km 1364+900) đã bị ngập trong nước lũ, khiến giao thông ngưng trệ. Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh đã kịp thời phong tỏa đoạn đường trên đồng thời khẩn trương triển khai lực lượng ứng phó. Đến 17 giờ 35 phút chiều qua, nước lũ đã rút và đường sắt hoạt động trở lại.
. Theo Thanh Niên |