Trong bài biết đăng trên tờ San Francisco Chronicle của Mỹ số ra mới đây, nhà báo David Armstrong đã kể về những người Mỹ mà ông có dịp gặp gỡ và nghe họ nói về những kế hoạch làm ăn của mình tại Việt Nam - mảnh đất mà họ cho là có tiềm năng kinh doanh to lớn.
Sâm và Helen rời Việt Nam khi còn trẻ. Với tư cách là những giám đốc thành đạt của Công ty West Coas Precision chuyên sản xuất linh kiện máy móc cho các hãng bán dẫn lớn ở Caliphonia, cuối năm ngoái họ về Việt Nam để tìm cơ hội làm ăn ở cố hương. Cặp vợ chồng này muốn mở rộng hoạt động của mình ở châu Á bằng cách tìm kiếm nhà đầu tư và mở rộng chi nhánh của West Coas Precision ở TPHCM.
Mục tiêu của họ là tìm được những vị trí kinh doanh thích hợp, nơi có chi phí thấp và công nhân tiếp thu nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các khách hàng châu Á. Không những thế, hai vợ chồng còn lên kế hoạch thành lập một công ty Mỹ vì anh Sâm cho rằng "Việt Nam muốn làm ăn với bất cứ ai chứ không chỉ với người Mỹ gốc Việt".
Phil Trần trở lại Việt Nam năm 1992, tức là 11 năm sau khi cùng cha chuyển sang sinh sống tại San Diego. Tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Berkeley, anh nhận một công việc tạm thời tại Hà Nội sau khi Tổng thống Bill Clinton hủy lệnh cấm vận chống Việt Nam. Vài năm sau, anh về thăm TPHCM và quyết định bỏ những cuốn sách luật sang một bên để chuyển sang kinh doanh phần mềm trò chơi trên máy tính.
Anh Trần cho biết Glass-Egg Digital Madia ở TPHCM là công ty mà anh đồng sáng lập từ năm 1998, 100% vốn nước ngoài, chuyên làm các phần mềm trò chơi điện tử dựa theo phim Toy Story cho Pixar và Disney. Trong số 100 nhân viên của công ty có 4 người Mỹ gốc Việt. "Trong 4 năm đầu tiên công ty được miễn thuế hoàn toàn và 4 năm tiếp theo được giảm 50% thuế", anh Trần kể.
Glass-Egg chính là hình mẫu của loại công ty công nghệ cao mà Việt Nam muốn có nhiều hơn nữa trong khu vực kinh tế tư nhân đang tăng trưởng nhanh của mình. Theo anh Trần, thực tế tồn tại của công ty anh là bằng chứng cho thấy những thay đổi ở Việt Nam.
McKinney, nguyên là phụ tá cho Chưởng lý quận Alameda bang Caliphonia. Năm 1994, sau khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận Việt Nam, McKinney chuyển về sinh sống tại TPHCM. Thời đó ở Việt Nam chưa có đại sứ quán lẫn tổng lãnh sự của Mỹ nhưng chị vẫn đến vì "Việt Nam có nhiều cơ hội quá".
Nhà máy Red Door Deco của chị nằm ở quận 12 TPHCM, tạo công ăn việc làm cho gần 200 công nhân. McKinney vừa xuất khẩu sản phẩm cho khách hàng nước ngoài, vừa duy trì một cửa hàng trên đường Đồng Khởi. Chị không nhận là người kiếm được nhiều tiền ở Việt Nam, nhưng cũng không có kế hoạch quay trở lại Mỹ.
Sau một chuyến khảo sát ở Hà Nội, Gregory Chew, chuyên viên quảng cáo người Mỹ gốc Hoa, rất mong muốn làm ăn ở Việt Nam, nhưng theo ông thị trường quảng cáo ở Việt Nam còn chưa lớn lắm. Ông đánh giá cao tình cảm mà Việt Nam dành cho người Mỹ, đặc biệt là đối với Việt kiều.
. Theo TTXVN |