Sáng 14-2, tức mùng 6 Tết, mặc trời mưa và gió lạnh, hàng nghìn du khách từ nội thành, các tỉnh lân cận và nhân dân sở tại đã đến lễ hội đền Gióng, lễ hội Cổ Loa tại các huyện Sóc Sơn và Đông Anh (Hà Nội).
Tại đền Sóc (Sóc Sơn), từ sáng sớm, sau lễ khai quang, nhân dân 7 xã Tiên Dược, Phù Linh, Đan Tảo, Đức Hòa, Xuân Giang, Bắc Phú, Tấn Minh làm lễ rước voi, trầu cau, ngà voi, kiệu tướng... Lễ hội đượm chất huyền thoại, thể hiện tinh thần thượng võ và truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc. Vui nhất là lễ dâng hoa tre, những mảnh tre vót mỏng, đầu tuốt bông nhuộm phẩm ngũ sắc tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Hoa tre được người làng Phù Linh dâng thờ ở đền Thượng, thờ xong lại rước xuống đền Hạ rồi phát cho người dự hội. Ai được bông hoa tre, coi như được lộc may mắn đầu xuân. Lễ hội đền Sóc 2005 tiếp tục đến mồng 8 tháng Giêng, có nhiều trò chơi dân gian như vật, cầu húc, cờ tướng, đập niêu... Năm nay, theo nhận xét của Phòng Nếp sống văn hóa (Sở VHTT Hà Nội), BTC đã cố gắng sắp xếp hệ thống dịch vụ gọn, đúng quy định, bảo đảm trật tự, vệ sinh. Trong ngày khai hội chưa thấy xuất hiện sách mê tín dị đoan, cờ bạc.
Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh) diễn ra từ mùng 6 đến 8 tháng Giêng. Sáng khai mạc, đám rước bát xã đưa kiệu, bài vị, hương án lên lễ ở đền Thượng, rồi quay xuống đình Ngự Triều Di Quy. Người dự rất đông, không chỉ chứng kiến lễ tế trang nghiêm đậm chất truyền thống mà còn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp đình, đền, giếng Ngọc, am Mỵ Châu... Trong ba ngày lễ hội, người dân Đông Anh góp cho du khách đủ trò vui, từ trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co, đánh đu, chọi gà, cờ người đến những màn diễn chèo, tuồng, quan họ... Năm nay, khách dự lễ khai hội Cổ Loa dùng hơi nhiều hương, có nơi còn thấy trò "cua, cá" không đáng có.
. Theo Hà Nội mới |