Điều trần về vụ kiện nạn nhân chất độc da cam
Các công ty hóa chất Mỹ đã có những hành động tội ác
10:33', 1/3/ 2005 (GMT+7)

Vào trưa 28-2 theo giờ Washington, tại tòa án quận Brooklyn, bang New York đã diễn ra phiên điều trần kéo dài 6 giờ đồng hồ, trong đó nguyên đơn là đại diện của Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam đòi bị đơn là đại diện của 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra các chất độc bồi thường thỏa đáng về những thiệt hại mà bị đơn đã gây ra trong thời chiến tranh Việt Nam và còn kéo dài đến nay. Phiên tranh tụng này sẽ quyết định liệu vụ kiện có được tiếp tục đưa ra xét xử nữa hay không.

Hai nạn nhân chất độc da cam tại làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM) đút cơm cho nhau.

Vụ kiện đang được dư luận thế giới và đặc biệt giới luật gia Mỹ và thế giới theo dõi. Nếu thua kiện, các công ty hóa chất Mỹ sẽ phải bồi thường nhiều tỉ USD cho hậu quả môi sinh và con người ở Việt Nam.

Trong văn kiện đầu tiên dài 219 trang, bên nguyên lập luận rằng các công ty hóa chất Mỹ đã có những hành động tội ác vì đã cung cấp hóa chất độc hại, mặc dù họ biết rằng các hóa chất này rất nguy hiểm và sẽ được dùng trong cuộc chiến để đầu độc cũng như để gây thiệt hại bừa bãi, gây khổ đau, gây thương tật, tử vong cho thường dân cũng như chiến binh ở nhiều vùng rộng lớn ở Việt Nam.

Nguyên đơn cũng lập luận rằng hành động trên là vi phạm luật pháp quốc tế, mà điển hình là điều 23 của quy định 2 Công ước Geneve 1949 và công ước Geneve 1925. Nguyên đơn cũng yêu cầu tòa ra lệnh cho bị đơn phải bồi thường những thiệt hại mà họ đã gây ra cho dân tộc và đất nước Việt Nam.

Theo các báo New York Times và Boston Globe (Mỹ) ra ngày 28-2, Bộ Tư pháp Mỹ đã gây sức ép để tòa án liên bang ở Brooklyn đình chỉ vụ kiện. Bộ Tư pháp cho rằng vụ kiện này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến quyền phát động chiến tranh của tổng thống (do quốc hội trao cho) và như vậy sẽ mở rộng quá mức quyền của tòa án liên bang.

Cho đến nay các công ty hóa chất Mỹ đổ lỗi cho chính phủ Mỹ và cho rằng họ chỉ làm theo lệnh của chính phủ và việc rải hóa chất ở Việt Nam chỉ nhằm bảo vệ lính Mỹ.

Săn sóc nạn nhân chất độc da cam tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh (ảnh Reuters).

Tháng trước, chính phủ Mỹ cũng đã ra tuyên bố ủng hộ các công ty hóa chất và cho rằng tòa án không có quyền phán xét xem một quyết định của tổng thống liên quan đến chiến thuật và vũ khí sử dụng trong chiến tranh.

* Chiều 28-2, Hội hữu nghị Việt - Pháp cho biết, Hội nghị quốc tế về hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) từ ngày 11 đến ngày 12-3. Hội nghị sẽ được tổ chức trong phòng họp của Thượng nghị viện Pháp với sự tham dự của khoảng 250 đại biểu bao gồm các nhà khoa học, các cựu chiến binh, các nhà hoạt động xã hội, nhân đạo, chính trị, pháp lý… thuộc nhiều nước trên thế giới như: Pháp, Thụy Điển, Italia, Bỉ, Đức, Áo, Bồ Đào Nha, Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Hội nghị sẽ thảo luận và xem xét 6 vấn đề trọng tâm: lịch sử cuộc chiến tranh hóa học, hậu quả về dịch tễ học và sức khỏe đối với con người, thực trạng hệ sinh thái và việc cải thiện, hậu quả kinh tế, tổng kết sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế với nạn nhân da cam, các khía cạnh pháp lý. Hội nghị sẽ thông qua lời kêu gọi các tổ chức quốc tế, các quốc gia đoàn kết giúp các nạn nhân da cam Việt Nam.

Nhân dịp này, Hội nghị Việt - Pháp cũng cho ra mắt cuốn sách mang tên "Chất độc da cam ở Việt Nam - Tội ác hôm qua, thảm kịch hôm nay". Cuốn sách cung cấp thông tin xung quanh cuộc chiến và việc sử dụng chất độc hóa học của Hoa Kỳ ở Việt Nam. 

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cấm dùng 17 loại hóa chất, kháng sinh trong thủy sản  (28/02/2005)
Truy cập Internet băng rộng qua truyền hình cáp  (28/02/2005)
644 triệu USD mở tuyến vận tải Bến Thành-Biên Hòa  (28/02/2005)
Hôm nay chính thức tiến hành phiên tranh tụng  (28/02/2005)
Bế mạc Đại hội hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam  (28/02/2005)
Khởi công xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam  (27/02/2005)
Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên VN lần thứ V  (27/02/2005)
Lễ hội "Thành phố Hồ Chí Minh - Hòn ngọc tỏa sáng"   (25/02/2005)
Xây dựng nhà máy sứ vệ sinh hiện đại nhất Đông Nam Á  (25/02/2005)
IFAD: Việt Nam đã đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ  (25/02/2005)
ADB tăng vốn vào Việt Nam lên 225 triệu USD  (25/02/2005)
Pháp kêu gọi ủng hộ vụ kiện của nạn nhân điôxin VN  (24/02/2005)
Công bố "Năm du lịch Nghệ An - 2005"  (24/02/2005)
TPHCM hình thành 3 ngành công nghiệp mũi nhọn  (24/02/2005)
Xây dựng Mạng thông tin thông minh  (24/02/2005)