Lễ đón nhận quyết định của UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ được tổ chức ngày 1-4 tại huyện đảo Cát Bà, Hải Phòng.
|
Cát Bà (ảnh:VOV) |
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã cho biết như vậy tại buổi họp báo ngày 17-3, tại Hà Nội. Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) đã trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ tư tại Việt Nam nhờ hội tụ đủ các yếu tố kết hợp hài hòa giữa lợi ích phát triển cộng đồng của con người với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Nằm ở phía đông-bắc, cách đô thị Hải Phòng khoảng 30km, quần đảo Cát Bà có diện tích tự nhiên 26.240ha (diện tích đất đảo là 17.040ha và diện tích mặt nước biển là 9.200ha) với đầy đủ các hệ sinh thái đặc trưng ở Việt Nam, gồm rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong, cỏ biển; bãi cát và hệ thống hang động, tùng áng đặc thù.
Quần đảo này được chia thành 3 khu vực: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Hai vùng lõi ở phía đông-nam và tây-bắc rộng 8.500 ha là vùng không có tác động trực tiếp của con người, trừ các hoạt động nghiên cứu và giám sát. Tiếp giáp với vùng lõi là vùng đệm trung tâm rộng 141ha và vùng đệm tiếp giáp rộng 7.600ha giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nghiên cứu, giáo dục và giải trí, song lại không ảnh hưởng đến sự bảo tồn vùng lõi. Đây là vùng có chức năng phát triển điều hòa, tôn trọng hiện trạng phù hợp với tiêu chí bảo tồn của vùng lõi nên phải bảo đảm sự phát triển hạn định, theo quy hoạch của vùng.
Nằm ngoài cùng quần đảo Cát Bà là hai vùng chuyển tiếp ở phía bắc và phía nam rộng 10.000ha, gồm cả phần đảo và phần biển, nơi tập trung đông dân cư, thuận lợi cho sự phát triển cộng đồng gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững, trong đó nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch được coi là thế mạnh kinh tế ở đảo...
Nhờ có ưu thế về địa lý tự nhiên nên Cát Bà đã trở thành "nơi hội tụ" của vô vàn loài sinh vật. Tới nay các nhà khoa học mới thống kê được trên 2.300 loài , trong đó có tới 60 loài động, thực vật được coi là đặc hữu và quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như ác là, quạ khoang, voọc đầu trắng, voọc quần đùi trắng và các loài thực vật gồm chi đài, kim giao, lát khôi, lát hoa, re hương, thổ phục linh, trúc đũa, sến mật.
Việc UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới đã tạo cơ hội và điều kiện rất thuận lợi cho Hải Phòng. Song, đây cũng là thách thức đối với các nhà quản lý và nhân dân địa phương để vừa phát triển kinh tế-xã hội mà vẫn khai thác và bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.
. Theo TTXVN |