Những tấm cốp pha đầu tiên làm bằng phế thải nilon đã được sản xuất thành công từ đề tài "Công nghệ tái chế rác thải nilon làm ván ép nhựa dùng trong xây dựng" do Tiến sĩ Mai Ngọc Tâm, Viện Khoa học vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), chủ trì.
Đề tài này đã đoạt giải nhì, lĩnh vực công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam 2004.
Theo kỹ sư Huỳnh Minh Đạt, thành viên đề tài, phế thải nilon, sau các bước sơ chế như phân loại, làm sạch, cắt nhỏ, sấy khô và pha trộn với tỷ lệ thích hợp với các phụ gia bột đá và xơ dừa, sẽ được đưa vào máy ép để tạo thành tấm vật liệu. Loại cốp pha mới từ nilon có ưu điểm hơn hẳn loại cốp pha gỗ truyền thống ở tính chịu ẩm, mặt nhẵn và sức bền. Tất cả các nguyên liệu sản xuất đều là các sản phẩm giá rẻ, rất sẵn có trong nước.
Ngoài ra, các tấm vật liệu này còn có thể được dùng làm nguyên liệu sản xuất đồ gia dụng như bàn, ghế, tủ.
Thành công bước đầu này đã thúc đẩy các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh công nghệ để ứng dụng ở quy mô lớn hơn tại các công ty môi trường đô thị, các nhà máy xử lý rác thải, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do nilon, một loại rác thải rất khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên, gây ra.
Theo khảo sát chung, tại Việt Nam, các thành phố lớn mỗi năm thải ra gần 200.000 tấn nhựa phế thải, trong đó 75% là túi nilon và các loại bao bì nhựa (tương đương 150.000 tấn). Số chất thải nhựa này phần lớn đều không được thu gom tái chế mà đem đi chôn lấp tại các bãi rác, gây ô nhiễm môi trường và phá hủy tài nguyên đất.
. Theo TTXVN
|