Đời sống các tầng lớp dân cư Việt Nam ở các vùng, miền trên cả nước tiếp tục được cải thiện-đó là kết quả sơ bộ khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2004 do Tổng cục Thống kê tiến hành.
Về thu nhập của dân cư, trong năm 2003-2004, thu nhập bình quân đầu người/tháng theo giá hiện hành đạt 484.000 đồng, tăng 36% so với năm 2001-2002. Ở khu vực thành thị, thu nhập đạt 795.000 đồng, tăng 27,8%; khu vực nông thôn đạt 377.000 đồng, tăng 36,9% so với năm 2001-2002 và tăng nhanh hơn khu vực thành thị. So với các vùng trong nước, thu nhập bình quân đầu người ở Tây Nguyên tăng cao nhất do giá cà phê và một số mặt hàng nông sản tăng; đặc biệt do tác động của các chính sách của Nhà nước đối với vùng Tây Nguyên, trong đó có việc giải quyết đất sản xuất, cấp nhà ở, cấp vật liệu làm nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số... Nhờ đó đến nay, tỷ lệ hộ nghèo về lương thực, thực phẩm của cả nước đã giảm từ 9,9% xuống còn 7,8%, trong đó ở thành thị còn 3,5%, riêng ở khu vực nông thôn còn 8,9%, giảm 3% so với năm 2001-2002.
Mức chi tiêu cho đời sống năm 2003-2004 của cả nước đạt 370.000 đồng/người/tháng theo giá hiện hành, tăng 37,5% so với năm 2001-2002, góp phần giảm số hộ nghèo cả nước xuống còn 24,1%. Cũng theo kết quả khảo sát, hệ số chênh lệch về thu nhập bình quân 1 người/tháng giữa nhóm hộ giàu nhất và nhóm hộ nghèo nhất trong thời kỳ 2003-2004 tăng so với các năm trước 13,5 lần (năm 2001-2002 là 12,5 lần)...
Chương trình khảo sát mức sống hộ gia đình được Tổng cục Thống kê tiến hành 2 năm một lần từ năm 2002-2010 nhằm theo dõi và giám sát mức sống của các tầng lớp dân cư Việt Nam một cách có hệ thống. Khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2004 được cải tiến trên cơ sở những nội dung của cuộc Điều tra mức sống hộ gia đình năm 2002, có bổ sung 2 nội dung mới là "Đất nông, lâm nghiệp, thủy sản "và"Các ngành nghề phi nông, lâm nghiệp, thủy sản".
Cuộc khảo sát sử dụng 2 loại phiếu điều tra: phỏng vấn hộ gia đình và phỏng vấn xã. Các phiếu hỏi được thiết kế đảm bảo tính khoa học, tính khả thi và đã được thử nghiệm qua điều tra thí điểm đợt 1 ở Vĩnh Phúc, Cần Thơ và đợt 2 ở Yên Bái, An Giang, Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh. Mẫu khảo sát được chọn dựa trên mẫu chủ các địa bàn điều tra của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999 với cỡ mẫu gồm 45.900 hộ đại diện khu vực thành thị, nông thôn trong cả nước.
. Theo VietNamNet |