Ngày 11-4, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã chủ trì Hội nghị giao ban sản xuất công nghiệp của khu vực các tỉnh, thành phía Nam do Chính phủ tổ chức.
|
Nhà máy Tra-bus (Công ty Tracimexco - Bộ GTVT) sản xuất xe tải nhẹ cung cấp cho các tỉnh phía Nam. |
Do tình hình phát triển công nghiệp trong quí 1-2005 tăng trưởng thấp hơn mục tiêu kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nên làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng GDP cả nước. Vì vậy, tại hội nghị Thủ tướng Phan Văn Khải đã yêu cầu triển khai nhanh 8 giải pháp của Chính phủ ngay sau hội nghị này để thúc đẩy ngành công nghiệp chặn đà suy giảm, tăng tốc phát triển trong những tháng tới, nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng rà soát các văn bản gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phải loại bỏ ngay, các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thứ hai, các doanh nghiệp thực hiện ngay các biện pháp nhằm giảm chi phí giá thành sản phẩm, trong đó tìm cách giảm các chi phí lưu thông, vận tải, kho bãi… và yêu cầu Bộ Tài chính, Giao thông-Vận tải xem lại các chi phí này. Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ kiểm tra và công khai để doanh nghiệp biết các loại chi phí hợp lý.
Thứ ba, Bộ Thương mại, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội các ngành nghề cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở ra khả năng tăng cường xuất khẩu hàng hóa.
Thứ tư, đẩy mạnh tiến độ sắp xếp lại doanh nghiệp, cổ phần hóa DNNN để tạo động lực phát triển mới.
Thứ năm, để kìm giữ chỉ số tăng giá, nhất là giúp cho các ngành sản xuất hạn chế được tác động tăng giá nguyên liệu đầu vào, các ngành điện, than, xăng, dầu, xi măng, thép… không tăng giá. Các doanh nghiệp giữ vai trò bình ổn giá nếu có thua lỗ phải báo cáo Thủ tướng để có hướng xử lý.
Thứ sáu, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, xóa bỏ các thủ tục rườm rà, Văn phòng Chính phủ thành lập tổ chuyên trách theo dõi vấn đề này, các địa phương cũng lập tổ công tác theo dõi và có hướng giải quyết ngay cho doanh nghiệp khi phát sinh vấn đề.
Thứ bảy, các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như TPHCM, cần rà soát lĩnh vực đất đai và xây dựng để có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Cuối cùng, lãnh đạo các ngành, các địa phương cần tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe những khúc mắc của doanh nghiệp và có biện pháp tháo gỡ cụ thể.
Theo tinh thần này, TPHCM đã đăng ký mỗi tuần sẽ có một cuộc gặp mặt đối thoại với một nhóm doanh nghiệp để hỗ trợ tối đa các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Bộ Công nghiệp và Bộ Kế hoạch-Đầu tư sẽ tiến hành họp giao ban hàng tháng với lãnh đạo các địa phương vùng kinh tế trọng điểm để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phối hợp hoạt động giữa các địa phương trong vùng.
. Theo SGGP
|