Quy định mới đây của Hải quan Mỹ về đóng tiền đặt cọc đối với hàng nhập khẩu bị đánh thuế chống bán phá giá đang làm các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm Việt Nam lâm vào thế kẹt. Ngày 16-4, đích thân Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc đã chủ trì một hội nghị tháo gỡ khó khăn này.
Thế kẹt lớn nhất của các DN xuất khẩu tôm vào Mỹ là phải đối mặt với khoảng tiền "bond" (tiền bảo hiểm thanh toán thuế) theo quy định của Hải quan Mỹ. Trước đây, sau khi có kết quả của vụ kiện, hầu hết các nhà nhập khẩu Mỹ tiếp tục kinh doanh với khoản đặt cọc là 50.000 USD và họ sẽ thanh toán khoản thuế còn nợ theo từng container hàng. Nhưng theo quy định mới "bond liên tục" của Hải quan Mỹ, khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với giá trị thuế chống bán phá giá tính trên tổng lượng hàng mà một công ty nhập khẩu từ nước bị áp thuế trong vòng 12 tháng. Điều này có nghĩa là các DN Mỹ muốn nhập khẩu tôm từ các nước chịu thuế "chống bán phá giá" phải đóng trước một khoản tiền ký quỹ rất lớn, bằng giá trị nhập khẩu trong vòng 1 năm nhân với mức thuế phải đóng. Như vậy, nếu muốn nhập khẩu vào Mỹ sản lượng tôm Việt Nam bằng giá trị năm 2004 (gần 400 triệu USD), thì với mức thuế trung bình khoảng 5%, các DN Mỹ nhập hàng của chúng ta cần mua "bond" ký quỹ trị giá 20 triệu USD cho hải quan.
Chính vì quy định này, những nhà nhập khẩu tôm Mỹ yêu cầu các DN xuất khẩu chấp nhận phương thức DDP (Dumping Duty Paid), nghĩa là giao hàng và thanh toán tại Mỹ thay vì tại Việt Nam như trước đây. Theo đó, DN Việt Nam phải đóng tiền "bond", tự nhập hàng vào Mỹ, giao hàng tại Mỹ sau khi đã thông quan và lãnh chịu mọi rủi ro nếu mức thuế tôm có thay đổi tăng lên. Ông Trương Đình Hòe - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: "Từ đầu tháng 3 đến nay, các DN tôm hầu như không xuất khẩu vào Mỹ, tuy vẫn có một số công ty lớn của Mỹ mua tôm nhưng số lượng rất ít và giá thấp. Với quy định này thì chỉ có những DN tiềm lực mạnh mới chịu đựng được, nhưng nếu chấp nhận bán theo DDP thì sẽ gây tác động bất lợi cho các DN vừa và nhỏ, đồng thời số tiền này xem như mất khi mức thuế thay đổi cao hơn".
Quy định mới của Hải quan Mỹ đang vấp phải sự phản kháng lớn tại nước này. Hiệp hội Các nhà phân phối thủy sản Mỹ (ASDA) cho rằng quy định này là không đúng với pháp luật và ASDA đang vận động các DN kiện quyết định này lên Tòa án Thương mại quốc tế (CIT) hoặc Tòa án liên bang Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng đã gửi đơn khiếu kiện về mức thuế của DOC lên CIT và xem xét kiện ra WTO.
. Theo Thanh Niên
|