Tỉnh Quảng Trị đã dựng lại cột cờ Hiền Lương, di tích lịch sử chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ anh hùng của dân tộc Việt Nam trong gần 20 năm Bắc-Nam bị chia cắt để giành lại độc lập, thống nhất Tổ quốc.
|
Cầu Hiền Lương (ảnh tư liệu) |
Cột cờ hiện tại được thực hiện theo nguyên mẫu cột cờ Hiền Lương hoàn chỉnh nhất (xây dựng từ năm 1963), có chiều cao 38m, trong đó phần đài cao 11,5m.
Cột cờ Hiền Lương đầu tiên được dựng vào năm 1954, làm bằng gỗ dương, đến năm 1963 được dựng lại bằng sắt. Đến năm 1967, Mỹ ném bom làm sập cột cờ và cầu Hiền Lương.
Cột cờ là công trình trọng điểm nhất của cụm di tích đôi bờ Hiền Lương-sông Bến Hải-vĩ tuyến 17. Cụm di tích này nằm ở khu vực giao nhau giữa sông Bến Hải và quốc lộ 1A (km 735), trong đó phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, huyện Vĩnh Linh, phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, huyện Gio Linh.
Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, sông Bến Hải được chọn làm ranh giới tạm thời trong hai năm để hai bên tập kết lực lượng và tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước. Song Mỹ-Diệm đã cố tình xóa bỏ hiệp định hòng chia cắt lâu dài hai miền Nam-Bắc.
Để bảo vệ và duy trì lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của dân tộc - ở khu vực giới tuyến trong lúc kẻ thù luôn tìm cách đánh sập cột cờ, các chiến sĩ của đồn công an Hiền Lương đã chiến đấu hơn 300 trận lớn nhỏ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và người dân đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ lá cờ.
Tính riêng từ ngày 19-5-1956 đến ngày 28-10-1967, ta đã treo 267 lá cờ các cỡ, trong đó riêng năm 1967 có 11 lần thay cột cờ, 42 lần thay lá cờ vì bị bom và pháo của Mỹ-Ngụy phá hỏng.
. Theo TTXVN |