Tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, hơn 500 cổ vật có nguồn gốc từ các nền văn hóa cổ của Việt Nam được Sở Văn hóa Thông tin thành phố tổ chức trưng bày từ ngày 26-4 đến hết tháng 9 năm nay.
Các cổ vật được trưng bày theo chất liệu kết hợp với niên đại và loại hình của hiện vật, giúp người xem có cái nhìn tổng thể về những chứng tích hào hùng, những nét thẩm mỹ đặc thù của các dân tộc Việt.
Những cổ vật bằng đá gồm những tượng Bàlamôn giáo của văn hóa Chămpa, văn hóa Óc Eo; các cổ vật bằng đất nung là những vật liệu xây dựng, kiến trúc của hoàng thành Thăng Long, còn ghi rõ những dòng chữ Hán chân phương. Chất liệu gốm là các đồ đựng của văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Óc Eo và của thời quân chủ phong kiến độc lập. Nổi bật nhất là những cổ vật bằng gốm hoa nâu thời Trần, gốm Chu Đậu thế kỷ 14 dùng trong cung đình và xuất khẩu đi các nước.
Ở khu vực đồ đồng giới thiệu các loại tượng đồng Phật giáo, Bàlamôn giáo nổi tiếng của Chămpa, những loại đồ dùng ngự chế của triều Nguyễn như đồ đồng tráng men (Pháp lam), đồ đồng phỏng thời Thượng.
Đặc biệt là tủ trưng bày những ấn triện của thời Lê, thời Tây Sơn và thời Nguyễn (có 5 chiếc ấn thời Tây Sơn mới được công bố). Ngoài ra, tại đây còn trưng bày các cổ vật bằng gỗ, giấy và các loại sắc phong bằng đồng, bằng vải, chỉ, chiếu bằng giấy của các vua thời quân chủ phong kiến; một số cổ vật liên quan đến các vua Nguyễn như hoàng bào thêu Cửu Long thời Đồng Khánh, ngọc bảo "Hoàng đế tôn thân chi bảo".
. Theo TTXVN
|