Thực tế mỗi năm có tới trên 3 tỷ USD của người Việt định cư ở nước ngoài chuyển về Việt Nam, rất nhiều người trong số đó đang mua bất động sản nhưng mượn tên sở hữu của người khác.
Tiếp tục thảo luận về Bộ luật dân sự (sửa đổi), các đại biểu vẫn tập trung vào một số vấn đề chính như: Xác định quyền đại diện hộ gia đình trong giao dịch dân sự; quyền hiến xác; quyền sở hữu; quyền đổi tên họ, dân tộc; quy định về hụi, họ; quyền về hình ảnh, bí mật đời tư; quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản.
Nói về quyền sở hữu, đại biểu Nguyễn Đình Lộc (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị nên bỏ phần quy định về sở hữu toàn dân, bởi vì điều này trong thực tế đã rất khó xác định, hơn nữa, sở hữu nhà nước đã bao hàm đại diện quyền lợi cho nhân dân để quản lý tài nguyên, tài sản của quốc gia. Đại biểu Trần Mạnh Đĩnh(Nam Định), Nguyễn Văn Ngàng(Hải Phòng) đề nghị nên đưa vào luật quyền sở hữu về tài sản của cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Một số ý kiến bên ngoài Hội trường trong giờ giải lao cũng nêu: Cần có quy định về quyền sở hữu tài sản của người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài để bảo đảm công bằng vì thực tế mỗi năm có tới trên 3 tỷ USD của người Việt định cư ở nước ngoài chuyển về Việt Nam thì rất nhiều người trong số đó đang mua bất động sản nhưng mượn tên sở hữu của người khác.
Hơn nữa, chúng ta đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài vào VN làm việc, họ có tiền lương, có nhu cầu sử dụng tài sản, hoặc họ kết hôn với người Việt nhưng lại không được xác định quyền sở hữu tài sản thì không công bằng, và vô hình chung cũng cản trở những nhân tài đến Việt Nam làm ăn. Sở hữu tài sản nên có thêm quy định: ngoài tài sản vật chất, tiền, giấy tờ có giá, thì một số đại biểu đề nghị cả quyền sở hữu thông tin, sở hữu trí tuệ.
Về quyền hiến một bộ phận của cơ thể (điều 33), nhiều đại biểu tán thành không nên quy định có sự đồng ý của người thân khi người có nguyện vọng hiến bộ phận cơ thể để giúp người khác chữa bệnh đã đủ tuổi xác định quyền nhân thân cá nhân mình.
Quyền hiến xác cho khoa học(điều 34), nhiều ý kiến đề nghị, người có nguyện vọng hiến xác đồng thời phải lập di chúc để khi người đó chết đi có cơ sở để thực hiện nguyện vọng của họ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị: Người có nguyện vọng hiến xác nên thuyết phục người thân đồng tình và xác định bằng văn bản để các cơ quan có cơ sở thực hiện thuận tiện khi người hiến xác đã chết.
Đối với quyền xác định giới tính, bà Đặng Thúy Nga(Hà Tây) đề nghị ở điều 36 nên quy định rõ đối tượng nào được xác định rõ về giới tính bằng sự can thiệp của y học. Vì ở Việt Nam, dị tật giới tính bẩm sinh tồn tại ở khoảng một phần mười nghìn.
Chiều 7-5, ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Thương mại (sửa đổi).
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đọc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo Luật Thương mại (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Góp ý kiến vào dự thảo Luật Thương mại (sửa đổi), đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn ( Bắc Giang) cho rằng, đây là đạo luật lớn với IX chương, 324 điều, phạm vi điều chỉnh bao gồm các nội dung, lĩnh vực liên quan tới hoạt động thương mại... nhưng thực tế dự thảo luật giống như tập tài liệu tập huấn hay một cuốn sách giáo khoa về thương mại với phạm vi điều chỉnh hẹp, thiếu hẳn phần chính sách về thương mại...
. Theo TTXVN
|