Tâm điểm tuần làm việc mới của Quốc hội (QH) rơi vào hai ngày đầu và cuối tuần với việc cho ý kiến hai dự án hết sức quan trọng: Luật dược (9-5) và Luật giáo dục (13-5). Riêng đối với dự luật giáo dục (sửa đổi), phiên thảo luận sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1.
Chương trình làm luật cũng xuyên suốt các ngày còn lại tuần này, lần lượt là Bộ luật hàng hải (sửa đổi), Luật đường sắt VN, Luật kiểm toán nhà nước và Luật quốc phòng.
Trở lại ngày làm việc 7-5, QH đã bắt đầu mổ xẻ Luật thương mại (sửa đổi). Đề cập thuật ngữ "thương nhân", đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng nhân vật này chỉ có thể là một cá nhân chứ không phải được coi là một tổ chức kinh tế như trong dự thảo. Bởi theo ông, nếu là một tổ chức thì làm thế nào để truy cứu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm?
"Đây là đạo luật lớn nhưng diện điều chỉnh lại hẹp và quá thiếu chính sách. Đọc dự thảo thì thấy như... sách giáo khoa hay tài liệu huấn luyện nghiệp vụ của ngành thương mại" - ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) nhận xét.
Một trong những lời "đặt hàng" của ông là dự luật phải khuyến khích xuất khẩu tinh, giảm xuất khẩu thô thay vì tỉ trọng "thô nhiều tinh ít" như hiện nay.
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu khí VN Phạm Quang Dự (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng tỏ ý băn khoăn khi dự luật không điều chỉnh những người buôn bán nhỏ. Nếu vậy văn bản pháp luật nào sẽ được áp dụng cho đối tượng này trong khi đây cũng là mạng lưới thương mại rộng khắp đóng vai trò rất quan trọng? "Không đưa vào là thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho bà con kinh doanh buôn bán mà không bị quản lý chặt chẽ và thu thuế" - ý kiến của ĐB Hoàng Anh (Hải Phòng) như trả lời câu hỏi của ĐB Dự. Và đó cũng là quan điểm của ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định).
* Tiếp tục thảo luận dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) trước đó, nhiều tiếng nói đã đề nghị cân nhắc trong việc đưa hộ gia đình làm chủ thể của quan hệ giao dịch dân sự. "Có những điểm không còn phù hợp với việc xây dựng một nền kinh tế thị trường khi mà mọi giao dịch dân sự kinh tế phải được thực hiện ở các chủ thể thật rõ ràng", ĐB Nguyễn Văn Trì (Vĩnh Phúc) nói. Thế nhưng, ĐB H’Luộc Ntor (Đắc Lắc) lại cho rằng "nên đưa vào" bởi theo truyền thống của dân tộc VN thì gia đình giữ một vị trí đặc biệt quan trọng và đây cũng là loại chủ thể đã được qui định trong Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng...
"Không chỉ là quan hệ huyết thống mà là quan hệ về tài sản chung do những cá nhân trong gia đình tạo lập quản lý và sử dụng định đoạt. Thế nên hộ gia đình làm chủ thể quan hệ giao dịch dân sự là phù hợp" - ĐB Bùi Xướng (Ninh Bình) cùng chung suy nghĩ.
. Theo Tuổi Trẻ |