Hôm qua (8-5), tại Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học "Kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát xít”. Ông Nguyễn Khoa Điềm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương đã tới dự.
25 tham luận do những chuyên gia đầu ngành của Viện Khoa học Xã hội, Viện Lịch sử quân sự, Viện Sử học… trình bày tại hội thảo đã khái quát một cách đầy đủ về cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và chủ nghĩa phát xít; Tác động của chiến thắng chủ nghĩa phát xít đối với phong trào cách mạng thế giới, những đóng góp của các dân tộc vào cuộc chiến thắng; ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của chiến thắng chủ nghĩa phát xít.
|
Lá cờ Xô Viết được cắm trên nóc tòa Reichstag, thủ đô Berlin tháng 5-1945 đánh dấu sự thất bại thảm hại của chế độ Đức Quốc xã (ảnh VNN) |
Tham luận của TS Nguyễn Hồng Vân (Viện Sử học) cho rằng, chiến thắng vĩ đại của Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ hai đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở một loạt nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới. Trong cuộc chiến tranh vĩ đại chống phát xít, Liên Xô đã góp phần quan trọng nhất và cũng là nước bị thiệt hại nặng nề nhất với 27 triệu người (sỹ quan, binh lính, du kích, dân quân tự vệ, dân thường…) thiệt mạng- bằng gần một nửa số người thiệt mạng trong suốt cuộc chiến tranh (55 triệu). Hàng trăm thành phố, hàng chục nghìn ngôi làng, xí nghiệp công nghiệp của nước này cũng bị tàn phá.
Đại tá -TS Nguyễn Mạnh Hà, Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự lại phân tích những ảnh hưởng của chiến tranh thế giới thứ hai đối với cuộc vận động giải phóng dân tộc của Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh, thắng lợi của Hồng quân Liên Xô đối với phát xít Đức đã cổ vũ mạnh mẽ cao trào chống Nhật cứu nước của nhân dân Việt Nam. Hơn ai hết, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ rằng cuộc chiến tranh thế giới sẽ đem lại những điều kiện thuận lợi để nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, làm chủ đất nước. Tuy nhiên, Đảng cũng luôn xác định điều kiện khách quan từ bên ngoài là rất quan trọng nhưng không phải đóng vai trò quyết định và đã từng bước xây dựng thực lực cách mạng về mọi mặt, chuẩn bị mọi điều kiện cần và đủ đến khi có thời cơ khách quan đưa tới đã nhanh chóng lãnh đạo toàn dân đứng lên giành chính quyền.
Bên cạnh vai trò quyết định của nhân dân Liên Xô, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam cũng có nhiều đóng góp trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, biểu hiện trên hai nội dung chính: Ủng hộ Liên bang Xô viết chống chủ nghĩa phát xít và trực tiếp chống phát xít Nhật giành lại độc lập dân tộc. PGS- TS Nguyễn Văn Nhật (Viện Sử học) cho biết, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã có những hình thức đấu tranh để ủng hộ Liên bang Xô Viết chống chủ nghĩa phát xít như tổ chức các cuộc mít tinh, xuất bản sách báo tuyên truyền… Bên cạnh đó, theo con số thống kê chưa đầy đủ đã có hơn 40 chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ Moscow của Hồng quân Liên Xô trong những ngày bị phát xít Đức phong toả năm 1941 và phần lớn những chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh. Cho đến nay chúng ta mới chỉ xác định được 5 người trong số đó và những chiến sĩ này đã được Nhà nước Liên Xô truy tặng những huân chương cao quý.
Trong tham luận "Chiến thắng phát xít - 60 năm nhìn lại", PGS Nguyễn Huy Quý (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) nhận định, chiến thắng phát xít đã tạo ra những nhân tố thời đại để có thể loại trừ chiến tranh thế giới ra khỏi đời sống loài người. Trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, những bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít 60 năm trước vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân các nước trên thế giới, trong sự nghiệp đấu tranh cho những mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
. Theo VOV |