Phát hiện di cốt người nguyên thủy tại Tuyên Quang
15:50', 13/5/ 2005 (GMT+7)

Đoàn khai quật của Viện Khảo cổ học Việt Nam vừa phát hiện một bộ hài cốt người nguyên thủy có niên đại khoảng 12.000 năm cùng nhiều dấu tích thực vật, than tro, công cụ lao động và xương răng động vật tại hang Phia Vài ở thôn Cốc Ngận, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Theo Tiến sĩ Trình Năng Chung, cán bộ của Viện, điểm đặc biệt là bộ hài cốt này vẫn còn nguyên vẹn, được đặt ở tư thế nằm nghiêng, đầu gối lên đá, chân duỗi ra. Xung quanh di cốt còn phát hiện dấu tích bếp lửa hình tròn và những tảng đá rất to, có lẽ được người nguyên thủy dùng làm ghế ngồi tại các sinh hoạt cộng đồng.

Căn cứ vào lớp trầm tích đá vôi cứng ở những công cụ ghè đẽo thô sơ được chôn theo người chết, ông Chung nhận định di tích Phia Vài mang đặc trưng của văn hóa Hòa Bình giai đoạn sớm (thuộc thời kỳ Cánh Tân muộn, Holuxen sớm) niên đại 12.000 năm. Phát hiện khảo cổ này đã cung cấp thêm một nguồn tư liệu quý để so sánh đặc điểm nhân chủng giữa cốt sọ người Việt cổ và người hiện đại.

Các nhà khoa học cho biết bộ hài cốt người nguyên thủy được tìm thấy sớm nhất tại Đông Nam Á là người vượn Giava (Inđônêxia), cách đây 180 vạn năm. Tiếp đó là người vượn Bắc Kinh (ở Chu Khẩu Điếm) niên đại 40-50 vạn năm. Tuy nhiên, việc phát hiện hài cốt người nguyên thủy ở Đông Á mới chỉ chứng tỏ rằng Đông Á là một trong những cái nôi của loài người chứ chưa khẳng định Việt Nam cũng là nơi phát tích, cho dù Việt Nam nằm giữa Giava và Bắc Kinh.

Phải đến di tích núi Đọ (Thanh Hóa, thuộc sơ kỳ đá cũ, cách ngày nay 50-60 nghìn năm) được phát hiện trong những năm 60 của thế kỷ trước, giới khoa học mới manh nha lần ra đầu mối về gốc tích người Việt. Tuy nhiên, tại di chỉ có niên đại được coi là sớm nhất của khảo cổ học Việt Nam cũng chỉ mới tìm thấy công cụ mảnh tước và kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, chứ chưa thấy di cốt người nguyên thủy. Trong khi đó, vết tích người nguyên thủy trên đất Việt Nam có tuổi sớm hơn Phia Vài cũng chỉ là vài chiếc răng hóa thạch của người vượn ở Bình Gia, Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, hang Hùm (Lạng Sơn).

Trên cơ sở những bằng chứng và lập luận trên, các nhà khoa học nhận định hang Phia Vài có thể coi là một trong những địa điểm đầu tiên phát hiện bộ di cốt còn nguyên vẹn. Đây là bằng chứng rằng loài người nguyên thủy chắc chắn đã định cư trên đất Việt Nam cách ngày nay hàng mấy chục vạn năm, chứ không phải đến thời kỳ Đồ đồng (di chỉ Mán Bạc) mới có.

. Theo TTXVN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hải Phòng: Khánh thành cầu Bính bắc qua sông Cấm  (13/05/2005)
Ngày hội thả chim vì hòa bình, mừng sinh nhật Bác  (13/05/2005)
Đã có "sổ đỏ" mới được cấp "sổ hồng"  (13/05/2005)
Tàu nước ngoài đụng chìm tàu Việt Nam  (13/05/2005)
6 kiến nghị cải cách giáo dục  (12/05/2005)
Nâng lương tối thiểu lên 300.000 đồng  (12/05/2005)
Tôn tạo Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch  (12/05/2005)
Giải thoát an toàn con tin sau 7 giờ bị một tên cướp vây hãm  (12/05/2005)
Sáu nước hợp tác làm phim về sông Mê Công  (12/05/2005)
Mỗi năm Việt Nam có thêm gần 10.000 doanh nghiệp  (12/05/2005)
Khởi tố vụ án gây tai nạn giao thông làm 10 người chết trên đường 14  (11/05/2005)
Tăng giá vé và hành trình chạy tàu Thống Nhất Bắc - Nam  (11/05/2005)
Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới  (11/05/2005)
Hàn Quốc đầu tư 300 triệu USD phát triển các mỏ khí đốt ngoài khơi bờ biển Việt Nam  (11/05/2005)
Mua công trái giáo dục nhiều sẽ được thưởng  (11/05/2005)