Nhóm công tác của dự án bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển nguồn gen quý ở xã Thài Phìn Tủng, tỉnh Hà Giang, vừa phát hiện thêm ở khu vực này 2 loài thực vật quý hiếm là cây bảy lá một hoa và đỉnh tùng, nâng tổng số các loài thực vật quý hiếm lần đầu tiên được tìm thấy ở Thài Phìn Tủng lên 6 loài.
Cây bảy lá một hoa - còn gọi là thất diệp chi mai là loại cây thảo dược cao 0,5-0,7m, có 5-9 lá xếp thành một vòng. Cây có tác dụng giải độc rất tốt, đặc biệt là các vết thương do rắn cắn hoặc mụn nhọt. Tại Hà Giang, Thài Phìn Tủng là địa điểm thứ hai các nhà khoa học tìm được loại cây này, sau khi tìm được ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Xa Phì.
Bảy lá một hoa có khu phân bố tương đối hẹp, nên đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và được xếp ở cấp R - cấp hiếm.
Cùng với bảy lá một hoa, nhóm khảo sát còn phát hiện được một loài thực vật quý hiếm thuộc ngành hạt trần là đỉnh tùng hay còn gọi là phỉ ba mũi. Đỉnh tùng là cây gỗ nhỏ, cao khoảng 15m, có cành mọc đối và xòe ngang, lá xếp thành 2 dãy hình dải. Ở miền Bắc, đỉnh tùng có ở Hà Tây (Ba Vì), Thanh Hóa (Lũng Văn), Cao Bằng (Nguyên Bình-Ca Thành). Lần đầu tiên, đỉnh tùng được phát hiện ở Hà Giang.
Đỉnh tùng là loại cây cổ còn sót lại, được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, xếp ở cấp R. Hiện nay ở Thài Phìn Tủng mới phát hiện được duy nhất một cá thể.
Dự án bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển nguồn gen quý ở xã Thài Phìn Tủng, do Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF/SGP) thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ, chính thức triển khai từ tháng 4-2004.
Sau hơn một năm triển khai dự án, các nhà khoa học đã phát hiện được nhiều loại thực vật quý hiếm như cá thể dẻ tùng sọc nâu, thông tre lá ngắn, hoàng đàn rủ và thông đỏ, trong đó đáng chú ý là cây thông đỏ có đường kính tới 70cm. Đây được xem là cây thông đỏ có đường kính lớn nhất, sống lâu năm nhất ở miền Bắc Việt Nam tính đến thời điểm này.
. Theo TTXVN
|